Wednesday, August 31, 2011

Trí thức hải ngoại kiến nghị với chính phủ

image

VỀ HIỂM HOẠ NGOẠI BANG VÀ SỨC MẠNH DÂN TỘC

Kính gửi:

Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chủ tịch và Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Thủ tướng và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tổng Bí thư và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam

Thưa quý vị,

Chúng tôi, một số trí thức sinh sống tại nước ngoài, gửi đến quý vị lá thư ngỏ này để phát biểu những suy nghĩ thẳng thắn và xây dựng trước tình hình nghiêm trọng của Việt Nam hiện nay.

Trước hết, chúng tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ bản “Tuyên cáo” ngày 25 tháng 6, 2011 của 95 nhân sĩ, trí thức, tố cáo và lên án nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chúng tôi đồng thời hưởng ứng bản “Kiến nghị” ngày 10 tháng 7, 2011 của 20 nhân sĩ, trí thức, kêu gọi Quốc hội và Bộ Chính trị công khai hoá thực trạng quan hệ Việt-Trung, nhấn mạnh vào nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị, tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của nhân dân để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước.

Cả hai bản Tuyên cáo và Kiến nghị đại diện những tiếng nói can đảm, trung thực của giới trí thức yêu nước mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc, trực tiếp hay gián tiếp, trong nhiều năm qua. Dù xa quê hương đã lâu, dù còn mang quốc tịch Việt Nam hay đã trở thành công dân nước ngoài, chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến các khó khăn và thuận lợi của đất nước. Do đó chúng tôi ủng hộ những ý kiến chính đáng của nhân sĩ, trí thức trong nước và chỉ trình bày ngắn gọn một số nhận định bổ túc sau đây.

Hiểm hoạ ngoại bang

Sau chiến tranh biên giới cực Bắc năm 1979, nguồn tư liệu do Nhà nước bạch hoá về quan hệ Việt-Trung cho thấy mối quan hệ giữa hai nước không tốt đẹp như nhiều người lầm tưởng. Do hơn 30% dân số Việt Nam hiện sử dụng internet, thông tin ngày nay không còn là độc quyền của riêng ai. Kết hợp các nguồn tư liệu khác nhau cũng cho thấy rằng đối với Trung Quốc, “Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính” (“Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua”, nxb Sự thật, 1979, trang 8).

Quan điểm trên được thể hiện rõ nét qua một chiến lược nhất quán của Trung Quốc trong gần 60 năm nay tuy chiến thuật tùy lúc, tùy thời có khác nhau: phản bội Việt Nam ở Hội nghị Geneva năm 1954, ngăn cản Việt Nam thương lượng với Mỹ năm 1968, dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, phát động chiến tranh biên giới năm 1979, dùng vũ lực đánh chiếm một phần Trường Sa năm 1988; và sau khi quan hệ giữa hai nước đã bình thường hoá năm 1991, từng bước lũng đoạn kinh tế, thu vét tài nguyên, thực hiện mưu đồ đồng hoá, xâm phạm chủ quyền và đối xử tàn bạo đối với ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.

Sức mạnh dân tộc

Việt Nam có lịch sử chống ngoại xâm, phần lớn là từ phương Bắc, trong nhiều thế kỷ. Việt Nam cũng có nhiều tài nguyên thiên nhiên, với non 20 triệu héc-ta rừng, và hơn 3.200km đường biển. Trong dân số gần 90 triệu, hơn 3 triệu người có trình độ đại học trở lên. Do biến chuyển thời cuộc, hiện có hơn 3 triệu người gốc Việt sinh sống tại nước ngoài, trong đó có hơn 300.000 người có trình độ đại học trở lên và nhiều người là chuyên gia, giáo sư ở những công ty, trường đại học hàng đầu của thế giới.

Vị thế chính quyền

Sau hơn 35 năm lãnh đạo một đất nước thống nhất, các nhà cầm quyền chắc biết rõ hơn ai hết toan tính thâm độc của Trung Quốc và tình thế nguy nan của Việt Nam. Nhưng trong thời gian qua những chính sách và biện pháp đối nội và đối ngoại được thực thi đã tỏ ra lúng túng và mâu thuẫn, trái với sự mong đợi của toàn dân. Tình trạng này hiển nhiên làm suy yếu sức mạnh dân tộc, đòi hỏi chính quyền cần phải có những thay đổi toàn diện về cơ chế và chính sách mới có thể bảo vệ được chủ quyền và phát triển đất nước.

Những việc cần làm

Khác với các cuộc xâm lăng trong quá khứ, Trung Quốc trong thế kỷ XXI có nhiều lý do cần thiết hơn và nhiều điều kiện thuận lợi hơn để “khuất phục và thôn tính” Việt Nam mà không cần sử dụng vũ khí hay tổn thất nhân mạng. Mặc dù yếu kém hơn Trung Quốc về kinh tế và quân sự, Việt Nam có một lợi thế lớn chưa từng có trong lịch sử: không một nước tự do, dân chủ nào muốn thấy một nước độc tài chuyên chế như Trung Quốc xâm phạm quyền lợi hay quyền tự quyết của một nước khác, đe dọa tình trạng ổn định trong khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, cũng sẽ không có quốc gia hay liên minh nào có thể hỗ trợ Việt Nam nếu, trước hết, chính phủ Việt Nam không chứng tỏ là có ý chí và khả năng bảo vệ dân tộc và đất nước của mình.

Một lần nữa, chúng tôi khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ các ý kiến chính đáng vừa qua của nhân sĩ, trí thức trong nước. Chúng tôi hi vọng quý vị lãnh đạo tiếp thu đóng góp quan trọng ấy và sớm thiết lập một lộ trình cải cách cụ thể để được nhân dân tin tưởng và ủng hộ. Chúng tôi đề nghị những điểm chính dưới đây cần được chú trọng khi quyết định lộ trình:

1- Đối với Trung Quốc: Cần xác định công khai và rõ ràng lập trường của Việt Nam đối với chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa-Biển Đông: mọi tranh chấp phải được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử. Cần xét lại toàn bộ quan hệ Việt-Trung và chỉnh sửa những quyết định sai lầm trước đây khiến Việt Nam mất cân bằng, lệ thuộc vào mối quan hệ này trên các lãnh vực khác nhau. Cần nhấn mạnh truyền thống hiếu hòa của Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là trí thức tiến bộ, để tranh thủ sự ủng hộ của họ trong việc cùng tranh đấu cho công bằng và quan hệ bình đẳng giữa hai nước.

2- Đối với ASEAN và các nước khác: Cần tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với thành viên ASEAN cũng như những nước then chốt khác. Cần đồng thuận trong việc bác bỏ đòi hỏi trên 80% chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc và trong lập trường đàm phán đa phương với Trung Quốc về Trường Sa. Cần tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN và quốc tế cho một giải pháp về Hoàng Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử. Cần thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN trong việc đổi tên Biển Đông thành Biển Đông Nam Á để góp phần vô hiệu hóa đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc, và để tránh ngộ nhận về các tên gọi khác nhau cho một vùng biển chung.

3. Đối với nhân dân trong nước: Cần sửa đổi Hiến pháp để đẩy mạnh quá trình dân chủ hoá với ba cơ chế hoàn toàn độc lập: Quốc hội và cơ chế đại diện ở cấp thấp hơn, cơ chế toà án và cơ chế chính quyền. Cần thực hiện tự do bầu cử và ứng cử. Cần tôn trọng các quyền tự do công dân quy định bởi Hiến pháp Việt Nam và những công ước quốc tế mà Việt Nam cam kết tôn trọng, cụ thể như quyền tự do biểu tình và tự do phát biểu nhằm phản đối hành động hung hãn của Trung Quốc trên Biển Đông. Cần trả lại tự do cho những công dân bị giam giữ vì tranh đấu ôn hòa cho tự do, dân chủ, cho chủ quyền quốc gia, để đoàn kết toàn dân. Cần cải tổ hệ thống luật pháp, kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế, v.v. để đẩy lùi tham nhũng, giảm thiểu bất công, gia tăng năng lực, bảo vệ tài nguyên. Cần tham khảo với những nhóm nghiên cứu độc lập (như Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã phải tự giải thể năm 2009) trong quá trình hình thành các chính sách có tầm vóc quốc gia và quốc tế.

4. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài: Cần tạo bước đột phá để cải thiện sự hợp tác của cộng đồng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Cần cho tái thiết Nghĩa trang Biên Hoà vô điều kiện, giúp đỡ chương trình tìm kiếm hài cốt những người đã bỏ mình trong trại tù cải tạo, không can thiệp vào việc xây dựng bia tưởng niệm thuyền nhân ở các nước Đông Nam Á. Đây là bước cần thiết bắt đầu một quá trình nghiêm túc thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc.
Mặc dù chính quyền kêu gọi trong nhiều năm, sự đóng góp về trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn quá nhỏ bé: số chuyên gia, trí thức hàng năm về nước “chuyển giao công nghệ” chỉ trong vòng 500 lượt người trên con số hơn 300.000 trí thức.
Có hai nguyên nhân chính: (1) cơ chế chính quyền hiện hữu không những đánh mất niềm tin của người dân trong nước mà còn là cản trở lớn cho trí thức ở nước ngoài muốn đóng góp vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” do chính Nhà nước đề ra;  (2) sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào thiện chí của trí thức còn phổ biến trong một bộ phận không nhỏ của lãnh đạo.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn có điều kiện nghiên cứu và vận động tìm kiếm những giải pháp thuận lợi cho Việt Nam, như tranh thủ sự ủng hộ của các chính phủ và dư luận quốc tế cho quan điểm của Việt Nam. Thực tế là một số chuyên gia trong và ngoài nước từng hợp tác với nhau trong các hoạt động theo chiều hướng này và công cuộc vận động đã đạt được một số kết quả tích cực về vấn đề Biển Đông và sông Mekong.
Trước chiến lược trước sau như một của Trung Quốc đối với Việt Nam và trước tham vọng bành trướng, bá quyền ngày càng lộ rõ của Trung Quốc, đất nước và nhân dân đòi hỏi quý vị phát huy sức mạnh dân tộc, đoàn kết toàn dân trong và ngoài nước trong giai đoạn cực kỳ hiểm nguy cho Việt Nam. Chúng tôi mong quý vị dũng cảm nắm lấy thời cơ duy nhất để thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ toàn diện, xây dựng một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân, nhằm đưa Việt Nam lên vị thế xứng đáng với các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới.

Trân trọng kính chào,
Ngày 21 tháng 8 năm 2011

Đồng ký tên:

image
image
image
image
image
image
image


Ý kiến về Thư Ngỏ của 36 nhà trí thức hải ngoại
Trần Bình Nam

Bức thư ngỏ của 36 nhà trí thức Việt Nam sống tại hải ngoại gởi nhà cầm quyền Hà Nội hôm 21 tháng 8 liên quan đến nguy cơ của đất nước đã tạo được sự chú ý của dư luận.
Nhưng đồng thời cũng bị một số nhà trí thức khác phê bình một cách nghiêm khắc. Đa số nặng lời với người chủ trương là giáo sư Lê Xuân Khoa và một số người khác nhắm vào giáo sư Vũ Quốc Thúc chỉ trích ông sao lại ký tên trong Thư Ngỏ.
Lập luận chỉ trích chung chung cho rằng khi gởi Thư Ngỏ cho chính quyền Hà Nội, 36 nhà trí thức ký tên:
(1) đã chấp nhận tính chính danh của các người cầm quyền tại Hà Nội.
(2) và chính quyền Hà Nội sẽ không thèm đếm xỉa đến ý kiến của chúng ta nên gởi thư cho họ là một hành động ngây thơ.
Tranh luận và bày tỏ khác biệt ý kiến là một sinh hoạt dân chủ. Rất tiếc có nhiều nhà trí thức đã bày tỏ ý kiến với 36 vị ký tên bằng một số lời lẽ nặng nề một cách không được trí thức lắm. Đặc biệt tôi thấy một thư thật dài của một cựu quân nhân phê bình giáo sư Vũ Quốc Thúc lời lẽ thật hùng biện, nhưng đặt vấn đề không đúng chỗ, nhạt như một bát phở nhiều nước không có thịt, chỉ để chứng minh rằng giáo sư Thúc đã không hiểu thế nào là chính danh! Trong khi viết cho đã và nói cho thỏa thích, chúng ta đã không thấy ý nghĩa chính trị của sự việc và vô tình đập phá luôn những giá trị Việt Nam. Tôi muốn nói giáo sư Vũ Quốc Thúc với những gì ông đã đóng góp cho đất nước là một giá trị Việt Nam.
Bàn về Thư Ngỏ, trước hết tôi thấy giáo sư Lê Xuân Khoa (tôi không là đồng nghiệp và chưa có hân hạnh quen biết giáo sư Lê Xuân Khoa) có sáng kiến viết Thư Ngỏ và 35 vị trí thức còn lại đồng ý ký tên là một hành động can đảm. Can đảm vì, như một thông lệ, ở hải ngoại này 36 năm qua không có một việc làm gì của một nhóm người mà không bị nhóm khác chỉ trích. Chỉ trích xây dựng thì ít, chỉ trích để có tiếng nói thì nhiều. Thói quen này làm cho những người có suy nghĩ dè dặt không muốn đóng góp ý kiến về bất cứ vấn đề gì, và đó là một thiệt thòi lớn cho cuộc đấu tranh vãn hồi tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Về hai điểm bị chỉ trích tôi nêu trên thì qua giải thích của giáo sư Vũ Quốc Thúc và đặc biệt qua thư của giáo sư Lê Xuân Khoa trả lời ý kiến của nhà báo Trần Phong Vũ đã quá chặt chẽ, đầy đủ và thuyết phục.
Nói về tính chính thống của chính quyền tại Hà Nội thì dứt khoát đa số người Việt tại hải ngọai không công nhận sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam vì sự cai trị đó được áp đặt bằng vũ lực và sau đó bằng những cuộc bầu cử gian trá, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng chính quyền Hà Nội là một chính quyền được thừa nhận theo công pháp quốc tế.
Chúng ta đang thấy gì trước mắt? Ông Kadafi từng bị nhân dân Libya oán ghét, và đang bị phe nổi dậy với sự trợ lực của khối NATO (trong đó có Hoa Kỳ và Anh quốc) lùng bắt để đưa ra tòa. Nhưng khi ông ta đang còn cầm quyền thì bà ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã đến gặp ông ta tại Tripoli, và bản thân ông Kadafi đã được thủ tướng Anh Tony Blair đón tiếp một cách đúng nghi lễ tại dinh thủ tướng tại số 10 Downing, London.
Hơn nữa lá Thư Ngỏ của 36 vị trí thức Việt Nam hải ngoại gởi đi như gởi cho một thực thể, chứ không minh danh công nhận hay không công nhận gì tính chính danh của nó. Ngoại trừ chúng ta cùng với nhân dân lật nó xuống rồi xử lý công việc quốc gia theo chương trình của mình. Còn nếu chưa, và chúng ta sốt ruột muốn cứu nước thì chúng ta phải góp ý với cái chính quyền chúng ta không công nhận đó thôi.
Thư Ngỏ yêu cầu chính quyền Hà Nội cần làm điều này điều khác khi đất nước đang trong cảnh “chỉ mành treo chuông” không có tính “hòa hợp hòa giải”. Nói đến hòa hợp hòa giải còn phải có một số điều kiện tiên quyết, tối thiểu đảng cộng sản Việt Nam phải bỏ Điều 4 Hiến Pháp tạo một cái khung pháp lý để dần dân chủ hóa đất nước qua sự trọng tài của dân. Các nhà trí thức ký Thư Ngỏ biết rõ rằng chưa thể nói chuyện hòa hợp hòa gỉải với những người cộng sản trong lúc này. Nhưng chuyện cứu nước như cứu hỏa không thể trì hoãn được .
Còn cho rằng nói với người cộng sản như “nói với kẻ điếc” thì nếu đảng cộng sản Việt Nam bịt tai bịt mắt không thèm nghe, thì còn đồng bào hải ngoại, còn nhân dân trong nước, còn cộng đồng thế giới nghe và tạo áp lực ngược lại lên đảng cộng sản việt Nam.
Tóm lại lá Thư Ngỏ của 36 vị trí thức hải ngọai nếu không làm thay đổi thái độ của người cầm quyền cộng sản Việt Nam, nó cũng không làm gì thiệt hại cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền của nhân dân trong và ngoài nước nếu không muốn nói (cho đến giờ này) nó có một tác dụng tích cực.
Tôi ước mong rằng những sự chỉ trích phê bình nặng nề có, nhẹ nhàng có đối với Thư Ngỏ ngày 21/8/2011 sẽ không làm chùn lòng thành phần trầm lặng trong và ngòai nước .
Chúng ta hãy mường tượng, nếu một bức Thư Ngỏ 36 người ký không đáng gì, nhưng một Thư Ngỏ có 3600 người hay lạc quan hơn có 36 ngàn người trong và ngoài nước ký thì sức mạnh của nó sẽ như thế nào? Nó có thể làm bật dậy sức phản kháng của nhân dân làm cho người cộng sản không thể ù lì bịt tai che mắt mãi được.
Họ phải đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hay họ phải ra đi.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.