Saturday, September 10, 2011

Cá bống kho tiêu

image

Sài Gòn với những cơn mưa rả rích làm người xa quê chạnh lòng nhớ món ngon mẹ nấu mỗi dịp cuối hạ đầu thu, trong đó không thể không kể đến cá bống kho tiêu đậm đà...
Cứ vào cuối tháng bảy âm lịch, khi những đợt mưa cuối cùng trút xuống nhà nhà rầm rộ đua nhau ra sông cất chài, kéo lưới vớt cá. Mùa nước nổi, sông nổi bột phù sa đục ngầu, tôm cá từ nơi thượng nguồn theo con nước đổ về, cả làng nhờ đó mà có thêm miếng ăn. Lũ trẻ con chúng tôi cũng lăng xăng cầm rổ rá đi theo giúp cha một phần, phần nữa là để kiếm thêm “của ngon vật lạ” cho riêng mình.

image

Chỉ độ vài tiếng sau khi rảo thuyền đặt lưới, cha đã câu về đủ các loại cá: từ cá mại, cá ngạnh, cá diếc,... và có cả những con cá bống tươi roi rói. Loại cá bống cát ở quê tôi thon nhỏ, chỉ bằng chừng ngón tay trỏ nhưng nổi tiếng là ngọt thịt, cộng thêm thời điểm này vốn là mùa sinh sản của cá bống. Biết chị em chúng tôi mê ăn cơm trắng với cá bống kho, cha lẳng lặng lựa những con cá tròn mẩy, bụng căng trứng và đặt vào một rổ riêng. Số còn lại, cha nhờ chị hàng cá nhà bên ra chợ bán giúp, kiếm thêm ít đồng ra đồng vào.

image

Cá bống đem về, thoạt tiên sẽ được mẹ cho vào rổ, lấy một ít lá sả, kèm thêm một ít muối sống xoa nhẹ cho cá sạch vảy, hết nhớt. Mẹ bảo phải làm vừa đều tay vừa nhẹ nhàng, để bụng cá đầy trứng không bị vỡ. Sau đó, cho cá vào nồi đất, rưới nước mắm xăm xắp, ướp đường, một ít nước màu và vài củ hành xắt nhuyễn. Cá thường được ướp từ một đến một tiếng rưỡi đồng hồ, gia vị thấm đều, săn cứng, thịt dai dẻo hơn.

image

Kho cá bống nghe thì đơn giản, nhưng đảo cá, thêm bớt lửa thế nào đều phụ thuộc vào tay nghề. Mẹ thường nhóm củi cho vừa lửa khi bắt đầu kho; lúc nồi cá sôi lên thì để lửa liu riu cho nước kho đặc lại. Ít khi nêm tiêu ngay từ đầu, mà chờ đến khi nước kho gần cạn hết mới rắc đều tiêu khắp nồi. Sau đó, rưới thêm vài muỗng mỡ nhỏ rồi bắc ra khỏi bếp. Lúc này nồi cá dậy mùi thơm, những con cá bống được kho cong, hòa với lớp nước kho màu vàng cánh gián, nhìn rất ngon mắt!

image

Giữa mùa lũ, có một nồi cá bống kho tiêu, với đám rau sống, vài nhúm xoài xanh, dưa leo, cùng nồi cơm trắng thì thật không gì sánh bằng. Trẻ con chúng tôi chỉ chực lúc mẹ bày cơm ra  là sà vào ăn, vị cá bống mặn mòi, thơm béo quyện với vị tiêu cay.

Món cá bống kho tiêu đưa cơm rất nhiều, thường phải đến hai, ba chén. Ăn hết cá, lại cho cơm trắng vào nồi, trộn, vừa ăn vừa hít hà vì thèm và... cay.
Quê tôi còn có thêm một đặc sản: bánh tráng nướng cuộn cá bống kho tiêu. Cũng chế biến như thế, nhưng mẹ thường lựa những con cá bống nhỏ chừng ngón tay út, ướp nước mắm ít hơn, thêm tiêu (nhưng không quá nhiều để nồi cá khỏi đắng), bắc lên bếp củi, để lửa nhỏ chừng hai, ba tiếng, cho đến khi lớp nước kho cạn hết, những con cá bống khô cong, cứng lại, hơi cháy xém.

image

Bánh tráng nướng nhúng ướt, cuốn với rau sống và cá bống kho, nhai cả thịt lẫn xương cũng là một món ăn khoái khẩu với  chúng tôi, nhất vào những năm nước lũ lên sớm, vụ mùa không gặt kịp, đâm ra thiếu gạo, thiếu khoai...

Dạo nọ, tôi bước vào một nhà hàng lớn giữa Sài Gòn, giật mình khi cầm thực đơn và thấy cái tên cá bống kho tiêu nằm ngay trang đầu. Chợt mừng món ăn của quê nhà nay được nâng niu ở nơi đất khách, và bồi hồi như vừa gặp lại một người bạn thuở thơ ấu đã lâu ngày xa nhau...

Tá giả: Xuân Nhật


4 món Đăc Biệt ở Cà Mau
Cà Mau là tỉnh cực nam, là vùng đất mới khẩn hoang của người Việt. Vùng đất góp nên nhiều món ăn ngon cho nền ẩm thực Việt Nam.
Trong số các món ngon của đất Cà Mau, cháo trăn sông Trẹm, cá lóc nước trui, ba khía Rạch Gốc, lẩu mắm U Minh đã được xếp vào danh sách những món đặc sản Việt Nam.

1.Cháo trăn sông Trẹm
Nhiều người về Miệt Thứ mà chưa ăn cháo trăn thì chưa thấy hết cái đã, cái hương vị thời khẩn hoang của vùng Cà Mau.

image

Thịt trăn vàng lựng, chặt miếng vuông xen lẫn mấy thớt mỡ trăn bóng ngần mới trông đã phát thèm. Chỉ cắn một cái đã nghe sừn sựt rồi vị béo, ngọt, là lạ đến tê đầu lưỡi. Phần bao bên ngoài miếng thịt giòn giòn, ngon nhất mà hình như không phải da. Phần làm cho nồi cháo thơm nhất có lẽ là mỡ trăn, thấy vậy mà không béo.
Cháo trăn sông Trẹm thường ăn kèm với rau rừng đặc biệt là loại dây leo đọt trại và nước mắm biển Kiên Giang thì tuyệt. Có thể nấu kèm đậu xanh với cháo trăn ăn có tác dụng giải nhiệt và tẩm bổ.

2.Cá lóc nướng trui
Là món ăn dân dã, dễ làm và đặc trưng cho miền đồng Nam Việt nhưng cá lóc nướng trui lại có một hương vị vô cùng độc đáo.

image

Cá khi vừa bắt dưới sông lên, rửa sạch, dùng tre xuyên từ đầu đến đuôi rồi vùi cá vào đống rơm khô, châm lửa đốt hoặc cắm que xuống đất lấy rơm phủ lên và đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.
Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết vị thơm ngon vùa cay vừa mặn vừa ngọt của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me, cuốn với bánh tráng, rau thơm ăn thì tuyệt.

3.Ba khía Rạch Gốc
Ba khía Rạch Gốc có nhiều nhất là vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác. Ba khía sau khi bắt, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được. Muối ba khía không nên mặn quá, cũng không lạt quá. Vì nếu mặn thì thịt sẽ xẵng lại, còn nếu lạt quá thì thịt mau bủng, ăn mất ngon.

image

Ba khía muối cho vừa ăn, bẻ ngoe, càng ra rồi trộn chung với tỏi, ớt băm nhỏ. Sau đó, nặn thêm chanh vào tạo vị chua cho bùi rồi thưởng thức. Còn cái mai của ba khía thì bỏ cơm nóng vào, trộn đều với gạch son, ăn rất đặc biệt. Vị mặn, ngọn, chua, cay hòa với mùi thơm của tỏi và thịt của ba khía chắc chắn sẽ làm hài lòng.
Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt; gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm gia vị cho vừa ăn. Với cách này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ; Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên.

4.Lẩu mắm U Minh
Lẩu mắm (mắm kho cho vào lẩu) là một trong những món ăn không thể thiếu của người Nam nói chung và U Minh nói riêng.

image

Để có lẩu mắm ngon, thơm phải lựa từng con cá sặc bướm. Sau đó làm sạch vảy, ruột, rửa sạch, đem phơi cho cá ráo mặt, rắc muối giã nhỏ, cho vào một cái khạp, bên trên dùng mo cau và sống dừa cài chặt để giữ cho con nắm không nổi lên bề mặt.
Lẩu mắm phải ăn kèm với rất nhiều rau, như bông súng, đọt nhãn lồng, ngò gai, ngò om, cải xanh, rau muống, rau ngổ, đậu rồng, kèo nèo, rau đắng, càng cua, bông so đũa, cà phổi, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi... Ngoài ra còn có đọt choại, loại rau rừng chỉ có ở rừng tràm U Minh. Rồi đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, các sặc rằn, cá dầy, cá lóc... cùng “lên lửa” với nước cốt mắm sặc thơm lừng. Cũng không thể thiếu bát ốc lác sôi sùng sục dưới đáy nồi lẩu.
Vân Nhi

Ăn cá linh, nhớ mùa nước nổi

Cả miền Nam vào mùa nước nổi, chợ lớn, chợ nhỏ xứ nào cũng bán đầy cá linh.
Mỗi lần nhắc đến loài cá này là từ các chợ cho đến từng bữa ăn, mọi người miền Nam lại lóng lánh ánh bạc như thể loài cá này được tạo ra từ ánh sáng đồng bằng, được sinh dưỡng từ những tinh thể nước quí giá của vùng đầu nguồn sông Cửu Long.

image
Cá linh bán ở chợ.

Giữa người già và người trẻ có một điểm khác nhau mỗi khi nhớ về cá linh, người già thì hướng về thời điểm nước đổ, nước lụt rồi lo cho người, cho lúa trước rồi mới nghĩ đến cá linh, còn người trẻ hễ vào độ Tháng Bảy, Tháng Tám âm lịch là hỏi thăm chừng có cá linh chưa và nghĩ đến các món ngon được nấu từ cá linh.

Nước lũ về thì lụt lội, mất mát nhưng lũ sông Cửu Long không về thì nhớ mong. Sau mười năm trông ngóng dòng nước lũ thân quen lại đổ về vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Mấy ngày nay, trong những câu chuyện trên trời dưới đất ở các quán cà phê Sài Gòn bỗng có người lại nhắc về cá linh. Cái loài cá nhỏ chỉ bằng ngón tay này giờ đây lại gắn liền với những chuyện đại sự về hiểm họa các đập thủy điện ở Trung Quốc, ở Lào... và lại nóng hơn nữa với chuyện dự đoán mực nước biển dâng nhận chìm một số vùng đất miền Nam.
Chỉ với khoảng mười năm nước lũ không về mà thời thế đã đổi thay kinh khủng, chẳng những các loài cá nước ngọt đang trên đường tuyệt chủng mà cả dòng nước lũ mang phù sa phì nhiêu bao đời bồi đắp nuôi dưỡng miền Nam cũng sẽ lụi tàn vì nguy cơ nước biển xâm thực. Nhiều người ở Sài Gòn muốn rủ nhau đi đón nước lũ về để ngắm cá linh nhảy xoi xói trong dòng nước đục lềnh phù sa.

Nhưng cũng rất nhiều người nhất là những người trẻ tuổi không hề biết con cá linh ra sao. Một cô nhà báo trẻ gốc miền Bắc mới vào nói: “Em chưa được ăn cá linh bao giờ. Thế quán nào ở Sài Gòn bán món cá linh chỉ giúp em với?” Vậy đó, ai bi quan cũng có thể dự đoán rằng cá linh rồi đây cũng tuyệt chủng trên khẩu vị người Sài Gòn mới.
Tuổi thơ của hầu hết người miền Nam, vào tháng mưa dầm hầu như ngày nào bữa ăn gia đình cũng có món cá linh. Ký ức rõ nhất về cá linh là mỗi lần ăn đều được phép gắp nguyên con và cứ vậy ăn nguyên con không sợ xương cá. Cái cảm giác bỏ nguyên một con cá với lớp vảy nhỏ óng ánh bạc vào gọn trong miệng là một cảm giác ngon khó tả. Rồi khi cả xương, cả thịt cá hòa lẫn với gia vị mềm ngọt trong miệng người ta mới ví von rằng cá linh là quà tặng của dòng sông thiêng. Nhưng đâu phải tự nhiên mà loài cá này mềm ngọt hết biết vậy. Bao đời sống với mùa lũ đồng bằng là bao đời những người đàn bà miền Nam tinh lọc cách chế biến và truyền lại những món cá linh ngon hết biết.

Về các món cá linh. Ở miệt sông Hậu thì người ta có món cá linh kho tiêu, cá linh um cuốn bánh tráng, cá linh nấu canh bông điên điển, cá linh chiên xù... Dân ở cuối sông Tiền biết đến món cá linh là do vào mùa cá linh rộ, ghe thuyền miệt Tân Châu-Hồng Ngự... đưa cá về bán nườm nượp.
Món cá linh chúng tôi thường ăn nhất là món cá kho. Cá linh kho xả bào thì dân dã bình dị, cá linh kho mía thì vị ngọt có tiệc tùng, duy chỉ hai món cá linh mà chúng tôi xếp vào hàng bậc nhất là món cá linh kho với cái dừa cứng cạy (loại cái dừa làm mứt dừa) và món canh chua cá linh nấu lá me.

image
Cá linh kho.

Tất nhiên tôi đâu có quên món mắm cá linh ăn sống với cơm nguội và mắm kho bằng mắm cá linh, nhưng qua “thế giới” mắm của người miền Nam thì lại là một đề tài khác.
Có người nói với chúng tôi rằng, vào mùa cá linh rộ giá cá rẻ rề, mắc gì mà kho với dừa cứng cạy chi vậy. Nói như vậy là không hiểu ý của người quê tôi. Khi xắt những miếng dừa cứng cạy bằng ngón tay út, kho chung với cá linh non đầu mùa cũng cỡ ngón tay út. Màu trắng đục của dừa, màu trắng tinh của cá khi sôi trong màu vàng sậm của nước mắm sẽ tạo ra hương vị béo thơm của cá của dừa và vị đắng nhẫn nhẫn của ruột cá, phải kho cá linh kiểu đó mới thành khẩu vị quê tôi.

Sau này lúc sống ở Sài Gòn tôi được biết thêm người đô thị này thích kho cá linh với nước dừa tươi. Cái cách kho này của người Sài Gòn thật là tinh tế quá. Vị ngọt của một loài cá nước ngọt chỉ có duy nhất ở sông Cửu Long kho với vị ngọt của nước dừa, hai vị ngọt của hai thứ số một của đồng bằng miền Nam một khi hợp thành thì món cá linh đúng là căn cội tinh tế của khẩu vị người miền Nam.

1 comment:

  1. bài viết rất hấp dẫn, tôi rất thích ăn những món dân dã như vậy.
    BẢO MAI có thể cho phép trích đăng bài này lên blog vui sống mỗi ngày @ blog cuả tôi không?
    cảm ơn tác giả

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.