Thursday, February 16, 2012

Kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc

image

...nếu Trung Quốc cũng tôn trọng quy luật tự do thì giờ này đồng Nguyên phải tăng thêm ít ra 300%...

Bên lề chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người có triển vọng lãnh đạo Trung Quốc sau Đại hội khóa 18 vào cuối năm nay, dư luận thế giới và cả Việt Nam cùng lưu ý đến quan hệ khá phức tạp giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới ngày nay. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu mối quan hệ đó trong lĩnh vực kinh tế qua cuộc trao đổi của Vũ Hoàng với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.


image

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Phó Chủ tịch Trung Quốc là ông Tập Cận Bình thăm viếng Hoa Kỳ từ hôm 14 đến 17. Là người có thể lên lãnh đạo Trung Quốc sau Đại hội 18 năm nay trong ba chức vụ lần lượt là Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước rồi Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình có thể bắc cầu giao tế với lãnh đạo Hoa Kỳ nhưng cũng đặt nền móng thảo luận về mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước. Trong mối quan hệ đó, dư luận quốc tế tất nhiên chú ý đến hồ sơ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế xin đề nghị ông phân tích hồ sơ này cho quý thính giả của chúng ta.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Giữa nền kinh tế vừa lên tới ngôi vị số hai, mà cũng ở vào khúc quanh chiến lược về đường hướng phát triển sau này là Trung Quốc, và nền kinh tế thật ra vẫn lớn và mạnh nhất địa cầu là Hoa Kỳ, quan hệ kinh tế đã có bước hợp tác khả quan và có lợi cho đôi bên. Nhưng quan hệ đó cũng có nhiều mâu thuẫn và thậm chí tranh chấp nên cả thế giới mới theo dõi xem hai nước sẽ giải quyết ra sao.
- Vấn đề càng đáng chú ý khi mà ngẫu nhiên năm nay sinh hoạt chính trị nội bộ có thể đưa lên một tầng lớp lãnh đạo khác của cả hai nước trong bối cảnh trì trệ của kinh tế thế giới khiến quốc gia nào cũng muốn xuất khẩu nhiều hơn và giảm bớt nhập khẩu. Song song, ta khó quên nhiều mâu thuẫn khác nằm ngoài lĩnh vực kinh tế. Nói cho gọn thì chuyến thăm viếng này của ông Tập Cận Bình là chuyện giao tiếp nhất thời trong ngắn hạn nhưng vẫn là bước quan trọng cho quan hệ dài hạn giữa hai nước ở hai bờ Thái bình dương.

image

Vũ Hoàng: Nói riêng về quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia thì ông cho rằng có những gì là đáng lưu ý nhất, thí dụ như chuyện tỷ giá đồng nguyên mà Hoa Kỳ cho là Bắc Kinh ấn định quá thấp nên có thể là hình thái cạnh tranh bất chính vì khiến hàng hóa Trung Quốc bán ra quá rẻ, hoặc việc Trung Quốc đòi Mỹ cho xuất khẩu nhiều hơn mặt hàng công nghệ tối tân của mình?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin đề nghị là ta đặt các vấn đề này vào bối cảnh rộng và phức tạp chứ mình sẽ không tự giới hạn vào vài con số về lượng giao dịch hai chiều giữa đôi bên.
- Hoa Kỳ có nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu đo ở sản lượng, và cũng thuộc loại giàu nhất nếu đo ở lợi tức bình quân một đầu người. Xứ này cũng có thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới nên là nơi tiếp nhận hàng xuất khẩu của các nước, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc có nền kinh tế lớn hạng nhì thế giới nếu đo ở sản lượng nhưng vẫn thuộc loại nghèo nếu đo ở lợi tức người dân.
- Dù có thị trường tiêu thụ lớn nhất địa cầu, Hoa Kỳ chủ yếu tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ do chính mình sản xuất ra, chứ chỉ nhập khẩu chưa tới 12% tổng số tiêu thụ. Thành thử, hai xứ này có thể hợp tác giao thương với nhau khi đôi bên cùng có lợi, nhưng nói đến kỳ cùng thì lượng hàng nhập khẩu từ Hoa lục chỉ là số nhỏ cho Mỹ mà là nguồn lợi lớn cho Trung Quốc.

image

Vũ Hoàng: Hình như ông đang nói đến khác biệt giữa hai nước về hai mặt thế và lực của kinh tế, nhưng hai xứ này còn có nhiều dị biệt khác nữa về quy cách làm ăn, có phải vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, đó là khác biệt về thể chế kinh tế và chính trị giữa hai nước.
- Hoa Kỳ là xứ dân chủ theo kinh tế thị trường nên tư doanh và người dân có tiếng nói trong các quyết định kinh tế của quốc gia. Vì vậy, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, doanh nghiệp nào đã vào Hoa lục làm ăn thì thấy có lợi, và thực tế là có lợi lớn trong hai năm suy trầm vừa qua, nên muốn duy trì mối lợi đó và họ chỉ nêu một số vấn đề khi gặp trở ngại.
- Song song, các doanh nghiệp khác ở nhà mà phải cạnh tranh với hàng quá rẻ của Trung Quốc thì không chỉ nêu vấn đề mà còn tác động vào chính trường để gây sức ép. Kết quả là ngay trong xã hội Mỹ người ta đã thấy có những lập luận dị biệt về lợi và hại khi làm ăn với Trung Quốc.
- Ngược lại, Trung Quốc là một xứ độc tài về chính trị, theo quy luật thị trường có chọn lọc để bành trướng ảnh hưởng của khu vực nhà nước, thực tế là theo lề lối ta gọi là "tư bản nhà nước" để củng cố sức mạnh của nhà nước, dưới sự lãnh đạo của một đảng độc quyền. Kết quả thì xứ này có vẻ như có chủ trương và tiếng nói thống nhất hơn Mỹ, đạt nhiều lợi ích bất chính nhưng cũng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng ở bên trong mà lãnh đạo ngày nay đã biết và muốn sửa.

image

- Bây giờ ta đặt vấn đề vào khung cảnh rộng và lâu dài. Trong quan hệ kinh tế, các quốc gia đều có thể khiếu nại và gây sức ép khi bị thiệt. Thí dụ như hơn 20 năm trước, Nhật Bản cũng vọt lên rất mạnh và xuất khẩu quá nhiều vào Mỹ với tỷ giá quá thấp của đồng Yen và với chiến lược gọi là xuất khẩu bằng mọi giá. Khi ấy, đôi bên phải thương thảo trong khi dư luận Mỹ thổi lên phong trào bài bác Nhật Bản. Nhưng chính các vấn đề nghiêm trọng bên trong kinh tế Nhật khiến xứ này lâm khủng hoảng từ hai chục năm nay, rồi bị Trung Quốc qua mặt vào năm ngoái. Thành thử ta nên để ý đến dị biệt giữa một xứ dân chủ như Nhật Bản và một nước độc tài như Trung Quốc.

image

Vũ Hoàng: Nếu hiểu không lầm ý của ông thì cốt lõi của các mâu thuẫn kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nằm trong sự khác biệt về thể chế chính trị nên cũng chi phối cách giải quyết những tranh chấp này? Có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy và chúng ta có thể tập trung vào hai mâu thuẫn nổi cộm trong quan hệ giữa hai nước, thứ nhất là đồng Nguyên và thứ hai là kế hoạch "phát huy sáng tạo nội địa" mà phía Mỹ cho là một hình thức chiếm đoạt công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ để lại xuất khẩu hàng công nghệ cao vào Mỹ. Mấy chuyện này thật ra còn rắc rối hơn dư luận thường nghĩ.

image

- Về tỷ giá hay hối suất đồng Nguyên, ta nên nhớ là một nước đang phát triển như Trung Quốc mà mở cửa buôn bán với bên ngoài, chủ yếu là với các nền kinh tế phồn thịnh mà già lão hơn của phương Tây, thì đồng bạc của họ tất nhiên lên giá theo quy luật thị trường và quy định tự do trao đổi của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Lý do là các nước phải mua đồng Nguyên để thanh toán việc nhập khẩu hàng Trung Quốc và đồng bạc mà được tự do lên giá thì sẽ phần nào cân bằng lại cán cân mậu dịch. Đó là chỉ nói về giao dịch thương mại.
- Khi kể thêm cán cân tài chính, là mua bán tài sản đầu tư như trái phiếu, cổ phiếu hay địa ốc thì cũng trên nguyên tắc đồng Nguyên phải lên giá vì thiên hạ mua vào để đầu tư trong thị trường đang lên của Trung Quốc, vốn có tốc độ sinh lời cao hơn. Điều bình thường ấy cũng chẳng xảy ra.
- Chúng ta vừa nhắc đến Nhật Bản, nếu lấy cùng khởi điểm là năm 1981 với chỉ số cơ bản là 100 thì ngày nay vào năm 2011, đồng Yen Nhật thực tế đã lên đến chỉ số 250, là tăng hơn gấp đôi so với đô la Mỹ, dù kinh tế Nhật không còn sung mãn như xưa. Và nếu Trung Quốc cũng tôn trọng quy luật tự do thì giờ này đồng Nguyên phải tăng thêm ít ra 300% trong cùng giai đoạn ba chục năm từ 1981 đến 2011. Vậy mà đồng bạc này của Trung Quốc không lên mà lại xuống giá, và trị giá có phân nửa cái giá của ba chục năm trước và chỉ bằng cỡ 15-20% cái giá chính đáng của nó nếu xứ nay chấp nhận quy luật tự do như Nhật Bản.

image

Vũ Hoàng: Thưa ông, nhiều giới nghiên cứu Mỹ nói đồng Nguyên bị định giá quá thấp, nâng không đủ cao, dù người ta đã từng hy vọng là Bắc Kinh sẽ nâng giá đồng bạc chừng 25% so với đô la Mỹ từ năm 2005 đến nay, là chuyện chưa hề xảy ra. Nhưng ông nêu ra một con số phải gọi là "phá giá" còn cao hơn gấp bội. Thí dụ như từ 100 không lên 300 mà còn sụt nặng. Tại sao vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đấy mới là vấn đề, về nhận thức. Câu trả lời gồm có hai phần.
- Thứ nhất, vì sao đồng Nguyên không lên giá? Vì Bắc Kinh kiểm soát tỷ giá đồng bạc, đông lạnh số tiền thu vào mà không cho dân hưởng, độc quyền thu Mỹ kim về lập kho dự trữ ngoại tệ trị giá hơn ba ngàn tỷ đô la, và kiểm soát thị trường tài chính để giới hạn đầu tư.
- Phần thứ hai là vì nhận thức ngắn hạn của doanh nghiệp Mỹ nên họ không nhìn thấy xu hướng lâu dài hoặc không đối chiếu với trường hợp Nhật Bản, nó cũng phi lý như phong trào đề cao hay bài bác Nhật Bản năm xưa mà doanh nghiệp Mỹ không thấy ra là xứ này sau đó bị khủng hoảng như Trung Quốc cũng sẽ bị! Ngoài ra, có lẽ cũng nên nêu thêm một lý do tôi xin tạm gọi là "đởm lược" của chính quyền Mỹ, mà ta sẽ nói luôn khi đề cập tới hồ sơ thứ hai là quyền sở hữu trí tuệ.

image

Vũ Hoàng: Về mâu thuẫn này, giới chức Mỹ cho là Trung Quốc không triệt để bảo vệ tác quyền mà còn ào ạt xuất khẩu vào Mỹ những sản phẩm được họ sao chép lậu công nghệ của Mỹ khiến doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại và kinh tế Mỹ có thế bị mất đến hơn hai triệu việc làm. Thưa ông, câu chuyện thật thì ra sao?

image

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa câu chuyện thật lại còn tệ hơn vậy!
- Tháng Ba năm ngoái, Bắc Kinh phê chuẩn Kế hoạch Năm năm thứ 12 với cái gọi là "chính sách công nghiệp" theo định hướng nhà nước nhắm vào bảy lĩnh vực công nghiệp chiến lược cần nuôi dưỡng. Đằng sau chủ trương này có loại kế hoạch họ gọi là "sáng tạo nội địa". Thực chất không chỉ là dung dưỡng tệ nạn ăn cắp tác quyền của xứ khác như ông vừa trình bày. Thực chất là quốc hữu hóa nghệ thuật ăn cắp đó qua chính sách tiếp nhận đầu tư!

image

Vũ Hoàng: Ông vừa dùng chữ rất lạ và bạo, là quốc hữu hóa việc ăn cắp tác quyền. Vì sao vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chính sách tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc là đòi các doanh nghiệp về công nghệ tin học, thí dụ như Intel của Mỹ, mà muốn vào làm ăn tại Hoa lục thì phải chấp nhận cái gọi là "chuyển giao công nghệ". Đó là hình thức sang đoạt tác quyền và đánh cắp kiến năng của xứ khác để phục vụ cái gọi là "sáng tạo nội địa". Cụ thể là Intel phải liên doanh với một cơ sở quốc doanh của Trung Quốc để doanh nghiệp Trung Quốc có dịp thụ đắc sáng kiến của mình. Cũng thế, nếu hãng Google muốn làm ăn ở Trung Quốc thì phải chia sẻ công nghệ và có khi cả kỹ thuật kiểm duyệt nữa. Nhìn một cách nào đó thì ngày xưa, Trung Quốc bắt các chư hầu triều cống học giả, trí thức hay thầy thuốc để chiếm đoạt sự hiểu biết của thiên hạ, ngày nay, họ đòi doanh nghiệp ngoại quốc cũng phải làm như vậy!

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, ngày nay chúng ta đã bước qua thế kỷ 21, Trung Quốc không là bá chủ thiên hạ mà Hoa Kỳ cũng chẳng là một chư hầu!
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì vậy mới là chuyện đáng nói!
- Nhân chuyện đó với doanh nghiệp Mỹ, ta còn suy ra cái thế của Bắc Kinh với các nước nghèo yếu muốn bán tài nguyên cho Trung Quốc. Họ không chỉ mua mấy triệu tấn gạo còn muốn làm chủ cả ruộng lúa của người ta! Họ không chỉ khai thác bauxite hay khoáng sản mà còn muốn nắm cả chính quyền mấy xứ nghèo hèn trong tay.


image

- Ta đều hiểu rằng một quốc gia có sức mạnh về kinh tế và quân sự có thể hoặc mua chuộc bằng quyền lợi hoặc đe dọa về an ninh – nôm là dụ hay dọa. Ở trên, chúng ta vừa nói đến khác biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về thể chế chính trị và kinh tế. Hoa Kỳ là xứ dân chủ theo kinh tế thị trường, cho nên việc tác động theo hai hướng tích cực hay tiêu cực đó được công khai hoá. Trung Quốc thì khác, họ dùng quyền lực của đảng và nhà nước với công cụ như luật lệ mờ ám và hệ thống doanh nghiệp nhà nước và dám làm chuyện táo tợn vì tin là nước Mỹ thiếu đởm lược!
- Khác biệt ở đây là cách lãnh đạo hai nước đánh giá những rủi ro trong quan hệ với nhau.
- Tôi thiển nghĩ rằng Hoa Kỳ cân nhắc rủi ro và không muốn gây sức ép quá mạnh. Một số người thì cho là nên cho Trung Quốc thêm thời gian chuyển tiếp, nhân khi đó doanh nghiệp Mỹ vẫn có thể kiếm tiền! Một số khác thì e là nếu ép quá mạnh Trung Quốc có thể bị nội loạn và mình rơi vào cảnh xôi hỏng bỏng không, lại còn phải đi chữa cháy cho thiên hạ. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại chẳng sợ hãi chuyện rủi ro như vậy và cho là Mỹ sẽ lùi nên cứ nhấn tới và từ nhiều năm nay rồi.
- Vào một dịp khác, ta sẽ đối chiếu ấn tượng về rủi ro của đôi bên, nhưng cũng không quên rằng Trung Quốc đang chất chứa nhiều mầm nội loạn bên trong, điển hình và ly kỳ nhất là vụ thanh trừng Giám đốc Công an kiêm Phó Thị trưởng Trùng Khánh là ông Vương Lập Quân ngay trước khi ông Tập Cận Bình qua Mỹ. Cho nên việc thay bậc đổi ngôi trong Đại hội đảng vào cuối năm thật ra không mấy êm thấm. Trong khi ấy, rủi ro của chính quyền bên này chỉ là Tổng thống Obama có thể thất cử, cho nên ông đã phải cao giọng phê phán Bắc Kinh ngay trong bài diễn văn đầu năm về Tình hình Liên bang và chắc là sẽ còn nói thẳng hơn với ông Tập Cận Bình về chuyện đó trong khi cũng biết những phân vân e ngại của lãnh đạo Bắc Kinh về chuyện nội bộ Trung Quốc.


Vũ Hoàng

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.