Thursday, January 3, 2013

‘Mỹ lập vành đai phong tỏa TQ trên biển’


image
Trung Quốc có tranh chấp trên biển với nhiều nước láng giềng

Tại một hội thảo về quyền lợi biển của Trung Quốc hồi cuối tuần qua, các học giả nước này đã lên án Mỹ ‘đe dọa nghiêm trọng quyền của Trung Quốc, nhất là trên Biển Đông, Điếu Ngư Đảo và Đài Loan’, trang mạng của tờ Hoàn cầu thời báo cho biết hôm thứ Ba ngày 1/1.
Đây là hội thảo do tạp chí Motherland (Tổ quốc) thuộc Liên đoàn các dự án yêu nước Trung Quốc tổ chức.

‘Liên tục kiềm chế’
Hoàn cầu thời báo dẫn lời Trung tướng Ngô Quý Phú, cựu phó trưởng khoa nghiên cứu của Đại học quốc gia về công nghệ quốc phòng, nói rằng ‘Mỹ đã liên tục đe dọa quyền của Trung Quốc trên biển trong hơn 100 năm qua và kiềm chế Trung Quốc bằng các liên minh quân sự’.

Theo ông Ngô thì chính sách tái cân bằng lực lượng quân sự đến châu Á của Mỹ trong vòng bốn năm tới có mục đích là xây dựng một vành đai bắt đầu từ Nhật Bản nối với Nam Hàn, qua eo biển Đài Loan đến Biển Đông rồi nối với Philippines và Singapore và kết thúc ở Úc. Đây là một vành đai phong tỏa Trung Quốc, ông Ngô nhận xét.

Vị tướng-học giả này cho biết bên cạnh dựa vào Nam Hàn, Úc, Philippines và một số nước đồng minh khác ở đông nam Á, Mỹ cũng tìm cách lôi kéo Việt Nam và Ấn Độ tham gia vào liên minh này để duy trì vị thế của Mỹ và kiềm chế Trung Quốc.

Chính vì do Mỹ tìm cách chế ngự sự mở rộng không gian biển của Trung Quốc mà nước này rất khó khăn trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan, ông nhận định và cho rằng vẫn còn đó nguy cơ tiềm ẩn về sự đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan.
Bên cạnh đó, ông cũng chĩa mũi dùi vào Nhật Bản.
“Nhật Bản bí mật hỗ trợ cho ‘độc lập’ của Đài Loan, cưỡng chiếm Điếu Ngư Đảo, xây dựng liên minh quân sự Mỹ-Nhật và tích cực vận động các nước khác theo đường lối ngoại giao của họ để đe dọa và kiềm chế quyền lợi trên biển của chúng ta,” ông Ngô được dẫn lời nói.

image
Ông thừa nhận Trung Quốc có tranh chấp về chủ quyền đảo, ranh giới biển và khai thác tài nguyên biển với một số nước. Ông chỉ đích danh Việt Nam và Philippines trong số những nước này là ‘ngày càng trở nên tham lam’.
“Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc đấu tranh cho quyền lợi của mình.”

Cũng tại hội thảo, Giáo sư luật quốc tế Lưu Nam Lai thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cảnh báo rằng nếu tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác đối với các hòn đảo nhỏ mà hiện họ đang chiếm giữ trên Biển Đông được thừa nhận thì các nước này sẽ dùng các hòn đảo đó làm cơ sở để xác định lãnh hải của họ.
“Nếu vấn đề tranh chấp các hòn đảo này không được giải quyết thì vấn đề ranh giới trên biển cũng sẽ không được giải quyết,” ông nói.
“Biển Đông sẽ không có ngày nào yên và Trung Quốc sẽ bị tổn thương,” ông nói thêm.

Lời khuyên năm bước cho Mỹ ở Biển Đông

image
Báo cáo kêu gọi Mỹ gia tăng số lượng tàu chiến

Một báo cáo quan trọng về vai trò của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông vừa được công bố bởi một tổ chức nghiên cứu có quan hệ chặt với Nhà Trắng.
Tài liệu 115 trang, ra mắt ngày 10/01, có tựa “Hợp tác từ Sức mạnh: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Biển Nam Trung Hoa”.
Nhóm tác giả thuộc trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (Center for a New American Security - CNAS).

Năm bước gợi ý
Các tác giả dự đoán trong những thập niên tới, thách thức cho Hoa Kỳ là duy trì trật tự truyền thống trong tự do đi lại, và thích ứng trước sức mạnh gia tăng của Trung Quốc.
“Mục đích là hợp tác, nhưng hợp tác có thể được thực thi tốt nhất từ vị trí mạnh.”
Họ kêu gọi Washington thi hành chính sách hợp tác trong thế mạnh trên Biển Đông để tránh xung đột và bảo vệ tự do đi lại cùng độc lập của các nước nhỏ hơn.
Báo cáo gợi ý năm bước để “bảo vệ Hoa Kỳ và quyền lợi của các đồng minh trên Biển Nam Trung Hoa và duy trì trật tự pháp lý”.

Trước hết, họ kêu gọi Washington mở rộng số lượng tàu chiến lên 346 chiếc, thay vì sắp phải giảm xuống còn 250 tàu vì cắt ngân sách.

Thứ hai, Mỹ cần củng cố một mạng lưới đối tác an ninh mới, trong đó có việc xây dựng đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á.

Chuyến thăm Việt Nam kín tiếng tuần này của Phó Đô đốc Scott H. Swift, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ, dường như đáp ứng mục tiêu này.
Trả lời đài BBC trong hai câu ngắn gọn, Hạm đội 7 Mỹ chỉ nói vị tư lệnh “thực hiện những cuộc gặp thông thường kiểu này với các quốc gia biển tại châu Á Thái Bình Dương”.
Năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Trong năm lĩnh vực hợp tác, có vấn đề An ninh biển.

Nghiên cứu của CNAS đề nghị bước thứ ba là Hoa Kỳ cần bảo đảm đặt Biển Đông vào hàng ưu tiên về ngoại giao và an ninh.

image
Chuyến thăm Việt Nam của Phó Đô đốc Scott H. Swift, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ
Thứ tư, Hoa Kỳ cần thúc đẩy hòa nhập kinh tế trong khu vực cũng như giữa châu Á và Mỹ.

Thứ năm, Hoa Kỳ cần có chính sách đúng với Trung Quốc, mà theo báo cáo là vừa hợp tác ngoại giao, kinh tế nhưng Mỹ phải có quân đội mạnh và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Đó cần là một chính sách tránh xung đột vũ trang nhưng không né đối đầu ngoại giao.

Ý nghĩa địa lý
Báo cáo đưa ra một ý rằng tương lai Trung Quốc “là dân chủ hay độc đoán sẽ không quan trọng như ta nghĩ, vì địa lý chiến lược của Trung Quốc vẫn y thế”.
Họ giải thích có người nói Trung Quốc chỉ xâm lăng khi yếu, ví dụ chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh với Ấn Độ.
“Nhưng phiên bản lịch sử này bỏ qua việc một Trung Quốc mạnh hơn cũng dùng vũ lực khi Việt Nam đang loạng choạng vào cuối Chiến tranh Việt Nam. Đó là khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa…”
“Một Trung Quốc dân chủ hơn cũng không chắc đảm bảo có một Trung Quốc bớt hung hăng hơn. Một Trung Quốc dân chủ có thể mạnh mẽ và linh động hơn về văn hóa, kinh tế, với cảm thức dân tộc sâu sắc, và như vậy lại càng có vốn cho việc củng cố quân sự.”
Đây đều là các tác giả có tiếng, nhưng có lẽ quan trọng hơn, nơi công bố báo cáo có quan hệ thân với chính phủ Mỹ hiện thời.
Người đồng sáng lập CNAS là Kurt Campbell, hiện là quan chức hàng đầu về châu Á tại Bộ Ngoại giao.
Một người đồng sáng lập khác, Michele Flournoy, từng phục vụ trong Lầu Năm Góc của chính quyền Obama trước khi ra đi cuối năm ngoái.


image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.