Monday, July 18, 2011

Xin Đừng Nói Yêu Em

image


Nhiều người phụ nữ Việt-Nam khi mới đặt chân đến Hoa Kỳ sinh sống được vài năm tại đây, thì đều cho rằng đàn ông Hoa Kỳ đối xử với phái nữ thật lịch sử và ăn nói nhã nhặn (Người Việt-Nam gọi là nịnh đầm) hơn đàn ông Việt-Nam nhiều, như mở cửa xe cho nàng lên xuống xe, vào mùa lạnh, khoác áo choàng cho nàng trước khi nàng bước ra khỏi nhà và cởi áo choàng cho nàng sau khi nàng bước vào trong nhà. Sự nhận xét này cũng có phần nào đúng, nhưng đúng không có nghĩa là tốt hay xấu, nên làm hay không nên làm, vì mỗi quốc gia dù được coi là văn minh nhất thế giới hay bị coi là lạc hậu nhất thế giới, đều có những tập tục và nền văn hóa khác biệt nhau, mang những nét đặc thù truyền thống qua nhiều thế kỷ của mỗi quốc gia đó.

Ở đây chúng tôi chỉ muốn trình bày đến quý độc giả một đạo luật thuộc trong những đạo luật phổ thông nhất và được đem ra thì hành triệt để trong đời sống xã hội hàng ngày trên khắp các tiểu bang tại Hoa Kỳ, đó là Đạo Luật Bạo Hành Trong Gia Đình (Domestic Abuse Act). Hành động bạo hành trong gia đình có thể gây ra bởi người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên, qua những hành động bạo lực trực tiếp, làm nguy hại đến tinh thần cũng như đến thế xác của những người cùng chung sống trong một gia đình: Như vợ chồng, Cha Mẹ, con cái và anh chị em từ 13 tuổi trở lên, đối xử với nhau bằng những hành động thô bạo vũ phu, và ngay cả những lời mắng chửi nhau thô lỗ, đe dọa đòi giết nhau, cũng bị coi như là những hành động bạo hành nghiêm trọng, có thể bị truy tố theo tôi hình sự trước Pháp Đình mà đã được ghi rõ từng chi tiết trong đạo luật này.

Nói đến các hành động bạo hành trong gia đình thì rất là phức tạp, không thể kể hết ra đây được và có nhiều hành động nếu xảy ra trong gia đình người Việt của chúng ta ở quê nhà, thì không thể bị coi là hành động bạo hành được, chẳng hạn như cách thức dậy dỗ con cái một cách khắt khe, bằng cách chửi mắng thậm tệ, bợp tai, đánh đòn, bắt quỳ gối hàng giờ v. v.. hoặc trong một giây phút nóng giận mất khôn, lỡ tay tát yêu vợ trên má vài cái, không để lại thương tích gì cả, đều có thể được coi như là chuyện bình thường xảy ra trong nội bộ gia đình. Nhưng ở đây, nếu những chuyện này xảy ra mà nhân viên công lực biết được, thì những hành động nầy tùy theo từng trường hợp, có thể bị phạt và, bị tạm giam dài hạn hay ngắn hạn hoặc có thể bị ngồi tù mọt gông. Sau đây là một câu chuyện bạo hành trong gia đình, đang lý không bị bắt giam, nhưng chỉ vì muốn tỏ ra ta đây là một người có khí tiết anh hùng, không sợ nói hết sự thật trước mặt nhân viên công lực, nên bị cáo đã bị tạm tống giam và lãnh án tù ở 30 ngày cộng thêm tiền phạt vạ $500 Mỹ kim như sau:

image

Anh Bảy là một người tính tình nóng nảy nhưng rất thương yêu vợ con và chỉ biết lo làm ăn kiếm tiền để phụ giúp vợ nuôi dưỡng con cái. Nhưng không hiểu vì lý đó thầm kín nào mà anh ta luôn luôn mang trong lòng một thành kiến không tốt đẹp đối với những bậc tu sĩ, vì cứ mỗi lần vợ anh đóng góp tiền giúp cho Nhà Chùa hay Nhà Thờ, thì anh đều bực mình la rầy vợ, là tại sao em không tiêu dùng số tiền đó vào những công việc từ thiện như giúp đỡ người nghèo khổ, người tàn tật, có phải hữu ích hơn không, mà lại cứ đem tiền đi nuôi mấy ông Sư và mấy ông Cha. Đã nhiều lần vợ anh cố gắng giải thích cho anh hiểu rõ ràng:

Tiền là em cho Nhà Chùa và cho Nhà Thờ, chứ không phải là cho ông Sư ông Cha nào cả, tiền cho nầy góp phần trang trải những chi phí điện, nước, gas hàng tháng của Nhà Chùa Nhà Thờ và để bảo trì nơi thờ phượng được đầy đủ tiện nghi tối thiểu cho các tín hữu đến cầu nguyện hàng ngày; hơn thế nữa còn để đóng góp một phần vào ngân quỹ vay nợ ngân hàng mua Nhà Chùa, Nhà Thờ mà phải trả trong nhiều năm nữa mới hết.
Nhưng anh vẫn khăng khăng không chịu chấp nhận lời giải thích hữu lý này của vợ, mà cứ mỗi lần anh Bảy biết được vợ mình cho tiền Nhà Chùa hay Nhà Thờ, là anh lại nổi cơn tam bành, dùng những lời thô lỗ cục cằn la rầy vợ và đôi khi không kìm hãm được cơn tức giận, liền dơ tay lên tặng vợ một vài cái tát tuy không gây thương tích mà chỉ làm cho đôi má của vợ bị ửng hồng, tiếp theo với những tiếng than khóc xụt xùi nức nở; nhưng chỉ độ ít phút sau, anh lại chạy vội đến ôm vợ vào lòng, để xin lỗi về hành động thiếu văn minh này của anh, rồi anh khẽ thủ thỉ bên tai vợ: “Xin em hãy tha lỗi cho anh, em là người anh yêu quí suốt đời”. Đáng lý như những người phụ nữ khác, khi nghe chồng mình thốt ra bằng lời nói yêu thương chân tình này, thì tâm hồn người vợ sẽ cảm thấy sung sướng lẫn mãn nguyện mới đúng , trái lại chị Bảy cảm thấy rất lo sợ trong tâm hồn và khẽ trả lời chồng:

“Em van anh, xin anh đừng nói yêu em.”

image

Sở dĩ chị phải nói ra câu này với chồng, vì chị nhớ lại cứ mỗi lần chị nghe chồng nói câu yêu thương như thế với chị, thì thế nào vài ngày sau hay một vài tuần lễ sau, nếu có chuyện gì xảy ra bất hòa, làm cho chồng chị bực mình với chị, là hai bên má chị sẽ bị ửng hồng, hoặc bị sưng phù lên như người bị lên quai bị, vì yêu đâu không thấy mà chỉ thấy bị ăn những cái tát nẩy lửa của chồng tặng cho chị.
Người ta thường nói đi đêm cho lắm, cũng có ngày gặp ma, quả thật đúng như vậy. Một hôm anh Bảy đi làm về nhà sớm hơn mọi khi, vừa lúc người đưa thư đến trao tay cho anh một xấp thư, trong số những lá thư này, có một lá thư ở ngoài tiểu bang gửi tới cho vợ anh, anh liền mở ra đọc, thì được biết lá thư này của một vị Thượng Tọa gửi đến cảm ơn lòng quảng đại của vợ anh đã dâng cúng một trăm Mỹ kim cho một ngôi Chùa đang được trùng tu xây cất lại.

image

Đọc xong lá thư, làm anh lại nổi cơn tức giận, vì vợ đã không chịu nghe lời anh, anh lấy lại sự bình tĩnh, ngồi ở phòng khách chờ đợi vợ đi làm về, để hạch hỏi lý do tại sao chị không chịu nghe lời anh. Khi chị Bảy vừa mở cửa bước vào nhà, anh bước nhanh tới trước mặt chị, chưa hạch hỏi chị câu nào như anh đã dự định, anh liền dơ tay lên tặng ngay cho chị một cái tát, cùng lúc đó đứa con trai lớn nhất 15 tuổi, nhìn thấy cảnh Bố tát Mẹ đã nhiều lần rồi và chính 2 anh em trai nó cũng đã bị Bố bợp tai nhiều lần, nên lần này nó đành phải gọi điện thoại cho cảnh sát tới, với ý định là để dọa cho Bố nó sợ, không còn dám đối xử như thế với Mẹ nó nữa.
Khi 2 người cảnh sát tới nhà, thay vì anh Bảy chỉ cần giải thích vắn tắt cho họ nghe, qua lời thông dịch của đứa con, là vợ chồng chúng tôi chỉ cãi lộn nhau đôi chút vì sự hiểu lầm nhau, nhưng bây giờ sự hiểu lầm này đã được chúng tôi giải quyết và không có điều gì đáng tiếc xảy ra hết. Nếu anh chỉ nói như thế cho họ nghe, thì chắc chắn 100% hai người cảnh sát này sẽ chào từ giã anh ra về, nhưng khổ một nỗi, anh đã nổi máu anh hùng không đúng chỗ, muốn chứng tỏ ta đây không hề khiếp sợ phải nói tất cả sự thật trước mặt 2 nhân viên công lực, anh quay mặt sang đứa con bảo nó:

“Mày hãy nói cho họ biết, là tao đã tát Mẹ mày rất nhiều lần trước kia rồi, chứ không phải là chỉ có một lần này mà thôi đâu.”

Con trai anh liền thông dịch lại nguyên văn lời của Bố nó cho 2 người cảnh sát nghe. Nghe xong, ngay tức khắc họ còng hai tay anh lại và dẫn anh lên xe cảnh sát để đưa về trại tạm giam. Sau gần 2 tuần lễ nằm trong trại tạm giam, anh được Văn Phòng Công Tố Viện (District Attorney Office) chỉ định một luật sự công đến để bênh vực tội trạng của anh và anh đã khăng khăng chối cãi với vị luật sư nầy, là anh không bao giờ đánh vợ mà từ trước cho tới nay anh chỉ có tát vợ thôi.
Vị luật sư này giải thích cho anh hiểu rõ ràng:

“Đánh hay tát đều có nghĩa như nhau theo pháp luật hiện hành, tát hay đánh là một hành động bạo lực nguy hiểm, có thể gây thương tích nặng hay nhẹ cho nạn nhân tùy theo từng trường hợp xảy ra, hành động tát có thể gây cho nạn nhân bị hư mắt, bị gãy răng v.v..”

Cuối cùng anh Bảy bị lãnh án tù ở 30 ngày và bị phạt vạ $500 Mỹ kim.
Mặc dầu Hoa Kỳ là một quốc gia được coi là văn minh nhất thế giới, nhưng vấn đề bạo hành trong gia đình lại xảy ra thường xuyên nhất tại quốc gia này, nên mỗi tiểu bang đều có ban hành một đạo luật để bảo vệ tính mạng và an ninh của những nạn nhân bị bạo hành trong gia đình, gọi là Luật Bạo Hành Trong Gia Đình như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu. Đạo luật này của mỗi tiểu bang quy định về thủ tục pháp lý, thời gian bị ở tù và giá biểu tiền phạt và có phần khác biệt nhau đôi chút, nhưng nói chung, những hành động vi phạm chính yếu đã được quy định trong đạo luật này, đều có nội dung tương tự giống nhau như sau:

image

Vi Phạm Bạo Hành 1: Bất cứ ai có hành động đánh đập người thân trong gia đình như Cha Mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em v.v.. đều có thể bị ngồi tù tối đa từ 30 ngày tới 90 ngày hoặc bị đóng tiền phạt vạ tối đa từ $500 Mỹ kim đến $1000 Mỹ kim, hoặc bị lãnh án cả hai hình phạt ngồi tù và tiền phạt vạ.

Vi Phạm Bạo Hành 2: Bất cứ ai có hành động đánh đập người thân trong gia đình trong khi biết rõ người đó đang mang thai, sẽ bị truy tố về tội tiểu hình (Misdemeanor) và có thể bị lãnh án tù tối đa 1 năm. Nhưng nếu còn tái phạm lần thứ hai như thế này nữa hoặc vẫn còn tiếp tục tái phạm, sẽ bị truy tố về tội đại hình (Felony) và có thể lãnh án tù ở từ 10 năm trở lên.

Vi Phạm Bạo Hành 3: Bất cứ ai có hành động đánh đập người thân trong gia đình trong khi biết rõ người đàn bà đó đang mang thai và làm cho người đàn bà này xảy thai hoặc gây nguy hại đến đứa bé con nằm trong bào thai, sẽ bị truy tố về tội đại hình (Felony) và sẽ lãnh án tù ở từ 20 năm trở lên.

Vi Phạm Bạo Hành 4: Bất cứ ai có hành động đánh đập người phối ngẫu hiện tại hay người phối ngẫu cũ, con riêng của người phối ngẫu, Cha Mẹ ruột hay Cha Mẹ nuôi, tình nhân hay người ở chung trong cùng một nhà với mình trước kia, đều bị truy tố về tôi bạo hành trong gia đình và nếu có phạm tội, có thể bị ở tù tối đa 1 năm hoặc bị phạt vạ $5000 Mỹ kim, hoặc bị lãnh án cả hai hình phạt ngồi tù và đóng tiền phạt vạ.
Nếu tái phạm lần thứ hai hoặc vẫn còn tiếp tục tái phạm, sẽ bị ở tù tối đa 4 năm hoặc phải đóng tiền phạt vạ tối đa $5000 Mỹ kim.

Vi Phạm Bạo Hành 5: Bất cứ ai vi có hành động đánh đập đã ghi rõ ở trong câu số  4 trên đây mà hành động bạo hành này xảy ra trước mặt trẻ em, sẽ bị lãnh án tù ở từ 6 tháng trở lên cho đến tối đa 1 năm hoặc bị phạt vạ tối đa $5000 Mỹ kim, hoặc bị ở tù cộng thêm tiền phạt vạ. Nếu còn tái phạm lần thứ 2 hay còn tiếp tục vi phạm trước mặt trẻ em, sẽ bị ở tù từ 1 năm trở lên cho đến tối đa là 5 năm, hoặc bị phạt vạ $7000 Mỹ kim, hoặc vừa bị ở tù mà vẫn phải đóng thêm tiền phạt vạ.

image

Ngoài những vi phạm vừa kể trên, còn có những trường hợp đặc biệt, được Tòa phán quyết cho bị cáo được ân hưởng bản án tù treo (Suspended Sentence or Probation), để cho bị cáo được tại ngoại hầu tra và phải đi thụ huấn những khóa học về tâm lý trị liệu bạo hành trong gia đình. Thời gian của mỗi khóa học này kéo dài lâu hay mau, là tuỳ thuộc vào tội trạng của bản án tù treo. Nếu điểm hạnh kiểm siêng năng học hành trong khóa học của bị cáo được giám định là tốt, thì đương sự sẽ tiếp tục được tại ngoại cho đến hết thời gian ấn định trong bản án tù treo, bằng không bị cáo sẽ bị nhốt vào tù để được tái xét xử theo những quy luật bình thường như đã nêu ở trên.

Nói tới đây, chúng tôi vẫn còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, một vị học giả người Việt khá nổi tiếng trước kia ở Việt-Nam, có nói với chúng tôi một câu:

“Luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền sống của con người và quyền sống của súc vật trong xã hội hiện nay được chia ra làm 4 loại ưu tiên: Ưu tiên thứ nhất là bảo vệ con nít, ưu tiên thứ nhì là bảo vệ phụ nữ, ưu tiên thứ ba là bảo vệ chó mèo nuôi trong nhà hay chó mèo chạy ngoài đường cũng thế, và ưu tiên thứ tư (hạng bét) không được bảo vệ là đàn ông.”

Chúng tôi không biết câu nói nhận xét này có đúng hay không? Nếu đúng, chúng tôi cho rằng có lẽ vì lý do người đàn ông bị xếp vào loại ưu tiên hạng bét, sau cả súc vật, đã gây sự bất mãn trong nam giới, nên vấn đề bạo hành trong gia đình đã xảy ra thường xuyên như cơm bữa tại 50 tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và vì thế đạo luật chống bạo hành  của mỗi tiểu bang đã được triệt để thi hành mỗi khi nhân viên công lực được thông báo có sự việc như thế xảy ra.    Hành động tát vợ của anh Bảy vừa được kể lại trên đây, làm chúng tôi bất chợt nhớ lại cách đây hơn 40 năm ở Việt-Nam, chúng tôi có quen biết một cặp vợ chồng ở gần nhà của chúng tôi, người chồng thuộc thành phần đại trí thức khoa bảng, đi du học từ ngoại quốc trở về quê nhà lấy vợ. Người vợ của ông này nếu chịu đi dự cuộc thi sắc đẹp toàn quốc, thì chắc chắn bà ta không trúng giải Hoa Hậu, thì ít nhất bà ta cũng phải là Á Hậu hạng nhì. Đúng như câu người ta thường nói: “Hồng nhan bạc phận”. Ông chồng của bà có tính ghen bóng ghen gió khủng khiếp, mỗi lần ông dẫn vợ đi dạo phố, làm cho nhiều chàng trai thanh niên hay đàn ông bắt luận trẻ hoặc già, phải dừng chân, nhìn ngắm vợ ông một cách chăm chú, tỏ vẻ ngưỡng mộ vợ ông như một Thần Vệ Nữ (Venus) bằng xương bằng thịt, đang xuất hiện trước mặt họ, và ông chồng khi nhìn thấy hiện tượng này, ông liền quay sang nhìn mặt vợ, nếu mặt vợ ông vẫn tỏ ra bình thản như không nhìn thấy ai hết, thì khi vợ chồng quay trở về tới nhà, mọi sự trong gia đình đều được êm ấm hạnh phúc.
Nhưng có những lần khác, hai vợ chồng đi dạo phố, cảnh tượng thiên hạ dừng chân lại, chăm chú chiêm ngưỡng sắc đẹp của vợ ông, dù là vô tình hay có ý để đáp lễ một cách xã giao, bằng một nụ cười tươi thắm hé nở trên đôi môi của vợ ông mà ông biết được, thì ngày hôm đó, sau khi về tới nhà, vợ ông sẽ lãnh một trận đòn thập tử nhất sinh, kêu trời không thấu. Trận đòn này là những cái bạt tai nảy đom đóm mắt của ông tặng cho bà, chỉ vì cơn ghen bóng ghen gió của ông; đã có lần vì những cái tát tai vũ bão của ông trong lúc cơn ghen của ông dâng cao lên như thác nước, làm vợ ông bị gãy mấy cái răng cửa, máu chảy lai láng ra ngoài miệng, đến nỗi chính ông phải lo sợ, vội vàng tự lái xe đưa vợ ngay tức khắc vào nhà thương để chữa trị. Ấy thế mà tình yêu của hai vợ chồng này vẫn sống gắn bó bên nhau như keo sơn, không bao giờ ngăn cách, đúng như ý nghĩa của một nữ văn sĩ nổi tiếng là bà Tùng Long đã nói “Sau Cơn Mưa Trời Lại Sáng”. Những hành động của ông chồng này nếu xảy ra tại đây, thì câu nói của bà Tùng Long phải đổi lại là “Sau Cơn Mưa Trời Lại Tối” thì mới đúng. Vì hành động bạo hành của ông chồng này còn nặng hơn gấp trăm ngàn lần hành động của anh Bảy mà chúng tôi vừa kể trên và ông chồng này sẽ phải đi ngồi tù mút mùa, ra đi không hẹn ngày trở về với vợ con.

image

Cách đây khoảng 16 năm, tình cờ chúng tôi có gặp lai cặp vợ chồng láng giềng này tại Little Saigon và chúng tôi có tò mò hỏi nhỏ bà vợ, để xem bây giờ ông chồng còn dám đối xử với bà như hồi còn ở Việt-Nam không? Bà liền trả lời chúng tôi: “Xin thưa anh rõ, vấn đề đó đã trở thành chuyện cổ tích xa xưa rồi, ngay năm 1975 chúng tôi đặt chân tới xứ tự do dân chủ này được vài tháng, ông nhà tôi đã hoàn toàn thay đổi tính tình một cách rất đáng yêu, ông ấy thủ thỉ nói với tôi rằng, kể từ nay em là Hoàng Hậu của lòng anh ( Queen of my heart), vì xứ nay đàn bà là số một (Lady is number one), đàn bà là trước tiên (Lady first), anh phải tự nguyện chấp nhận và công nhận như thế, không còn sự chọn lựa nào khác (No choice) nếu anh không muốn mất em, mất con và mất tất cả để vào nghỉ mát vô hạn định trong tù.
Nghe bà ta cho biết như vậy, chúng tôi rất lấy làm vui mừng cho hạnh phúc gia đình của bà ta.

Nói tóm lại, trong một quốc gia từ phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa cho đến pháp luật, đều hoàn toàn khác biệt và có nhiều điều mới lạ đối với người Việt Nam chúng ta nói riêng, làm cho chúng ta phải chấp nhận thi hành câu “Nhập Gia Tùy Tục”, để thích ứng cuộc sống mới của chúng ta theo đúng với môi trường xã hội Hoa Kỳ, mà chúng ta đang sinh sống tại đây, và cũng để tránh cho chúng ta khỏi bị liên luỵ đến vấn đề pháp luật, là một hệ thống pháp lý rất phức tạp và đa dạng nhất thế giới, đôi khi đã tạo ra những trường hợp làm người ta bị ngồi tù một cách oan uổng, chỉ vì vô tình vi phạm những tập tục văn hóa ở đây, khác biệt hắn đối với những tập tục văn hóa của chúng ta tại quê nhà. Chẳng hạn như ở Việt-Nam, câu nói đùa với trẻ em “Đi chỗ khác chơi, nếu không tao xẻo chim mày bây giờ”, hoặc hành động sờ mó chim em bé, hoặc tè bậy đằng sau vườn nhà của mình, thì đều là những chuyện bình thường, không liên hệ gì đến pháp luật. Trái lại những chuyện này nếu xảy ra ở đây, đều có thể bị truy tố trước pháp luật về tội tiểu hình nếu có người tố cáo và có bằng chứng cụ thể đã có những người đồng hương của chúng ta bị lãnh án tù ở về những tội danh này, đúng là oan ơi ông địa.

image

Cách đây hơn 2 năm, có một ông khoảng 50 tuổi, kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyên gia đình của ông là: Vào một buổi chiều, sau giờ tan sở, ông lái xe về thẳng nhà, vừa bước chân tôi trước của nhà, chưa kịp thọc chìa khóa vào ổ khoá để mở cửa vào nhà, thì cánh cửa nhà tự động mở ra, bên trong đã xuất hiện 2 ông cảnh sát đứng sát ngay cửa, dơ tay chận ông lại, không cho ông bước vào trong nhà, ra lệnh cho ông biết là ông phải đi ra khỏi căn nhà này ngay chiều nay, họ cho phép ông 1 giờ đồng hồ để thu xếp quần áo và vật dụng cá nhân của ông, để ông mang đi theo trước khi ông phải rời khỏi căn nhà này, và họ cho ông biết vào 10 giờ sáng mai, ông phải đến trình diện Quan Toà để biết rõ lý đó tại sao, rồi hai người cảnh sát đi kèm bên cạnh ông đến những căn phòng nào mà ông muốn vào lấy quần áo và vật dụng cá nhân của ông. Hành động này của 2 người cảnh sát làm ông có cảm tưởng như là một tội nhân sắp sửa bị đưa vào nhà tù.

image

Sáng hôm sau ông đến trình diện Toà, được Quan Tòa cho biết, theo lời tố cáo của vợ ông, là ông đã mua súng với ý định sẽ giết vợ và các con của ông, Tòa ra lệnh cho ông, trong khi chờ đợi những thủ tục pháp lý được hoàn tất theo đơn khiếu nại của vợ ông, ông không được phép điện thoại hay về nhà gặp vợ ông và 2 con ông, nếu ông vi phạm lệnh này, ông sẽ bị bắt giam ngay tức khắc để chờ ngày ra Tòa xét xử. Ông tiếp tục nói với chúng tôi một cách châm biếm mang ý nghĩa hài hước. Cho đến giờ phút này, cảnh sát lục soát hết trong nhà của tôi, vẫn không tìm thấy khẩu súng nào của tôi hết, nhưng nếu lục soát trong người của tôi, sẽ tìm thấy một khẩu súng bắn nước duy nhất, ngày đêm lúc nào tôi cũng đeo nó ở trong người, nhưng khẩu súng nầy đã trở nên vô dụng, vì nó đã bị rỉ sét từ lâu rồi; chắc quí vị cũng thừa hiểu cho hoàn cảnh của những người lập gia đình như tôi, vợ chồng có những lúc cãi lộn nhau như mổ bò là chuyện thường tình, giống như có ngày nắng ngày mưa, có một vài lần mới đây chúng tôi cãi lộn nhau, tôi đã nói đùa đe dọa nhà tôi, là tôi đã mua súng và nếu nhà tôi chọc cho tôi tức giận quá, tôi sẽ lấy súng bắn chết nhà tôi, bắn luôn 2 đứa con, rồi tôi tự sát chết theo nhà tôi cùng 2 con sang bên kia thế giới. Ai ngờ nhà tôi tin thật, nên báo cho cảnh sát biết đến trục xuất tôi ra khỏi nhà, làm tôi phải đến xin ngủ trọ ở phòng khách của nhà người bạn thân tôi suốt cả một tuần lễ.
Ông tiếp tục nói: “Nhờ sự giúp đỡ tận tình của một vị Linh Mục đến giải thích cho vợ tôi hiểu lời nói đùa dọa nạt của tôi, chứ không hề có ác ý như vậy, và Ngài khuyên răn vợ tôi, là hãy nạp đơn bãi nại cho tôi được trở về nhà xum họp với gia đình con cái sớm chừng nào tốt chừng ấy”. Nhà tôi vâng lời vị Linh Mục bằng lòng đi nạp đơn bãi nại, một tuần lễ sau, tôi đã nhận được giấy thông báo của Tòa cho phép tôi quay trở về mái nhà xưa để xum họp lại với vợ con; đây là một bài học kinh nghiệm đắt giá nhất trong đời tôi, là đừng bao giờ nói đùa đe dọa nạt ai cả, nếu đã nói thì phải làm thật cho đáng đồng tiền bát gạo, có phải đi ngồi tù cũng xứng đáng, theo như câu tiếng Mỹ:

“You deserve for what you do”.

Để kết thúc đề tài pháp lý thực dụng này, nếu ai tự nhận ra mình, dù già hay trẻ, đã mang bản chất nóng nảy, dễ tức giận hoặc những bậc Cha Mẹ nào đã quen với lề lối giáo dục con cái một cách quá nghiêm khắc như hồi còn ở quê nhà, thì nên tra cứu Đạo Luật Bạo Hành Trong Gia Đình “Domestic Abuse Act” tại các thư viện hay tại các tiệm sách lớn, để biết rõ thêm những chi tiết cần thiết và sự thích ứng với luật lệ của từng địa phương nơi cư ngụ, rất hữu ích cho đời sống gia đình và còn tránh được chiếc búa công lý đập lên đầu mình như trong những câu chuyện vừa được trình bày ở trên.


Mùa Lễ Giáng Sinh 2008
Phó Tế Nguyễn Mạnh San, Tuyên Úy Trại Tù.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.