Tuesday, September 6, 2011

Bi kịch 'thế mạng' ở casino

image

Nhiều người dân miền Tây đang đổ sang Campuchia đánh bạc nên các casino bên kia biên giới mọc lên ồ ạt. Có người vì thua bạc phải “thế mạng”, bị đánh đập phải nhảy lầu trốn.
Sáng ngày 22/8, Công an tỉnh Svayrieng (Campuchia) xác nhận đã tìm được thi thể anh Đỗ Thành Công (34 tuổi, ngụ Long An) trôi trên sông gần một sòng bạc nên yêu cầu thân nhân sang nhận xác mang về an táng.

Chị Bùi Thị Hương (vợ anh Công) cho biết, vài ngày trước nhà chức trách tỉnh Svayrieng gửi cho bộ đội biên phòng Long An và gia đình hình ảnh của tử thi trôi trên sông gần Casino Sato. Từ một số đặc điểm trên tử thi, chị Hương xác định đây là chồng mình.

image
Chị Hương lập bàn thờ chồng khi hay tin anh Công thiệt mạng ở một sòng bạc bên Campuchia

Theo chị Hương, một tháng trước anh Công có điện thoại về thông báo đang nợ “giang hồ” 2.000 USD nên kêu vợ bán đất sang chuộc chồng nhưng không bán được. Trong lúc túng bấn không biết xoay đâu ra tiền thì ngày 9/8 một người đàn ông gọi vào điện thoại chị Hương hỏi: “Tiếc mạng sống của chồng hay tiếc 2.000 USD?”. Khi biết chị không có tiền nên ông ta không liên lạc nữa.

image

Vài ngày sau, một người bạn của anh Công cũng bị nhốt trong sòng bạc Campuchia đã trốn được về Việt Nam kể với chị Hương rằng trong những ngày chờ gia đình mang tiền qua chuộc, anh Công không chịu nổi những trận đánh thừa sống thiếu chết nên đã nhảy lầu từ tầng 5 Casino Sato xuống đất để trốn nhưng đã chết thảm, xác bị “giang hồ” đẩy xuống sông.

image
Người Việt đổ xô sang casino vùng giáp ranh biên giới Campuchia

Thời gian gần đây rất nhiều casino mọc lên ở khu vực biên giới Campuchia giáp ranh với các tỉnh như: An Giang, Kiên Giang, Long An… Ngoài việc xuất trình giấy chứng minh, đóng vài chục ngàn mỗi người để qua lại biên giới, nhiều con bạc ở các tỉnh miền Tây còn vượt biên sang Campuchia bằng xuồng hoặc lội ruộng qua khu vực giáp biên giới đánh bạc.
Trong một báo cáo gần đây của Tỉnh ủy Kiên Giang, cơ quan chức năng tỉnh này xác định có trên 500 người Việt Nam thường xuyên sang những sòng bạc giáp ranh với tỉnh Kiên Giang để tham gia đỏ đen. Tại khu vực biên giới Campuchia giáp với Kiên Giang hiện có khu vui chơi giải trí lớn nhất là Hà Tiên Vegas có trường gà, sòng bạc kết hợp với dịch vụ lưu trú cùng nhiều sòng bạc khác như casino Sunday, Vimarn…

image
Bên trong một casino ở Campuchia, người Việt Nam vây kín các bàn đánh bạc.

Theo nhà chức trách, hiện có hàng chục người dân Kiên Giang do thua bạc đã bán nhà, cầm cố đất đai, tài sản để trả nợ. Nguy hiểm hơn là có người đã phạm tội cướp giật hoặc tự tử vì lâm vào đường cùng.
Trước tình hình này Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo cơ quan chức năng nắm rõ những người thường xuyên sang Campuchia đánh bạc để có cơ sở xử lý theo pháp luật. Đối với cán bộ công chức nếu phát hiện lai vãng ở các sòng bạc sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc.
Ồ ạt qua biên giới đánh bạc
Cách không xa cánh đồng đang vào vụ, sòng bạc Arun Bopea (Campuchia) hiện lên hoành tráng. Qua lớp cửa, hơn 200 người đang vây kín một trường gà hò hét, đa số họ là người Việt Nam.

image

Tại địa phận biên giới, những chiếc xe máy mang biển số nước bạn chở heo từ tỉnh Prey veng (Campuchia) chốc chốc lại chạy về hướng Hồng Ngự, Đồng Tháp. Trên đường vào vùng biên, nhiều loại xe không gắn biển số, tài xế không đội mũ bảo hiểm vẫn phóng bạt mạng.
Thấy khách bày tỏ muốn qua biên giới thử vận, một tài xe ôm gần khu vực cửa khẩu Dinh Bà hất hàm: "Có phải người địa phương không? Nếu là dân Đồng Tháp thì chỉ cần đưa giấy chứng minh cho mấy sếp là qua ngay thôi. Còn dân tỉnh khác thì ít nhất cũng phải có hộ chiếu".

image
Qua khỏi cửa khẩu Dinh Bà hơn 1km có một sòng bạc bên tỉnh Prâyveng, Campuchia thu hút rất đông con bạc Việt.

Tỏ vẻ ngơ ngác vì không biết "luật" này, người khách cười: "Em chỉ mang... mỗi tiền để thử vận thôi anh hai".
Một người rẽ đám đông đang uống nước trước một quán cà phê tiến lại gần, giọng tỉnh bơ: "Tôi là thổ địa tại đây. Tôi sẽ dẫn ông đi nhưng phải chi 100 đồng (100.000 đồng) trà nước".

image

Tại cửa khẩu Dinh Bà, gã đàn ông này chỉ nói vài câu với những người gác cửa khẩu là được qua ngay. Tương tự tại cửa khẩu Bontia Chaccrây của tỉnh Prâyveng (Campuchia), "thổ địa" cũng chỉ đưa tay chào là đi qua.
Khác hẳn với cảnh nông dân Prey veng tất bật cày xới, thu rơm rạ chuẩn bị vụ lúa mới, cách đó không xa là sự nhộn nhịp của sòng bạc Arun Bopea mọc lên giữa đồng. Sự hoành tráng của một casino tương lai đã hiện diện rõ trong công trình đang ở giai đoạn cuối.
Kế bên, một sòng bạc cũ loang lổ màu thời gian tất bật đón khách ghé đến. Qua lớp cửa, cả 200 con người đang vây kín một trường gà dù không phải ngày cuối tuần. Ai cũng căng mắt vào 2 chú gà màu đỏ tía đang quần nhau phía dưới, hò reo ầm ĩ. Đa số họ là người Việt Nam.
Tương tự, ở bàn tài xỉu cạnh bên cũng có cả trăm người đang chen lấn, mặt đỏ phừng phừng, mồ hôi nhễ nhại. Ngồi giữa bàn tài xỉu là một người Campuchia cao lớn, bàn tay to bè ghì cứng hộp xí ngầu lắc liên tục. Anh ta là "nhà cái" của môn cờ bạc này.

image
Ngoài việc qua lại cửa khẩu, các con bạc cũng thường băng xuyên các cánh đồng giáp ranh vùng biên giới qua Campuchia

Ba thanh niên và một cô gái đứng cạnh không ngừng la lớn: "Đặt đi, đặt đi" trong khi cầm những thanh tre được quấn dây thun liên tay khều tiền của các con bạc vừa thua cuộc. Sau khi hộp xí ngầu được mở ra, thắng thua được họ chung chi nhanh chóng để sang một ván khác. Dù giữa đồng trống gió thổi lồng lộng nhưng lượng người tham gia đỏ đen quá đông nên không gian trở nên ngột ngạt, đặc quánh hơi người.

image

Sau lưng bàn tài xỉu này là một bàn thờ thần tài khói hương nghi ngút. Vài ba nông dân Campuchia ăn mặc lếch thếch, tay loang lổ bùn cũng tham gia sát phạt nhưng chung chi chỉ bằng những đồng Ria lẻ. Xung quanh cũng có nhiều "tụ" đang mải miết ăn thua bằng các "môn" bài bửu, ngầu hầm... của các con bạc người Việt ít tiền.
Ngoài trường gà toàn đàn ông tham gia, ở các bàn tài xỉu có đến hơn nửa là "quý bà" U40, thậm chí có người tóc đã pha sương, đa số là người Việt. Bãi giữ xe cho sòng bạc này có đến 80% mang biển số Việt Nam. Thậm chí một lũ trẻ đen đủi chen nhau mời vé số các tỉnh Bến Tre, Bình Dương... cho các con bạc cũng đều là dân vùng biên Việt Nam.
Bà Lý (57 tuổi, ngụ xã Tân Hộ Cơ) lách người ra khỏi đám đông tiến đến phía ban thờ thần tài cúi vái xì xụp. Quẹt ngang dòng mồ hôi trên gương mặt nhăn nheo, bà buồn bã cho biết vừa... cháy túi. Mỗi sáng thường ngày bà theo chồng đánh bắt cá tôm ở những cánh đồng mùa lũ, chiều về lại tranh thủ cùng vài người trong xóm sang sòng bạc đặt vài ván kiếm tiền. "Hầu như ngày nào bọn tôi cũng thua, cay lắm. Nhưng chẳng lẽ bỏ luôn nên phải tìm cách gỡ vốn chứ", bà Lý tuềnh toạc nói.

image
Bên trong một sòng bạc Campuchia

Còn ông Bảy (57 tuổi) nước da đen sạm, cổ quấn khăn rằn kể nhà ở gần Dinh Bà, sống bằng nghề làm mướn nhưng cũng là khách quen tại đây. “Làm mướn có bao nhiêu tiền đâu, thắng bạc mới có thể làm giàu”, ông này nói. Tuy nhiên, khi được hỏi có bao giờ ông thắng được vài triệu đồng? Ông Bảy quày quả bỏ đi không quên gắt gỏng: “Thua không hà”.
Anh Hây (35 tuổi) chạy xe ôm gần cửa khẩu Dinh Bà cho biết, từ khi bên Bontia Chaccrây mở sòng bạc, các đồng nghiệp của mình tuy không kiếm được bao nhiêu tiền nhưng cũng rất nghiện đỏ đen. Anh này từng chứng kiến gia đình người hàng xóm cũng chạy xe ôm như mình đã tan nát vì thua bạc. Sau khi mấy đứa nhỏ phải bỏ học, cha mẹ nó cũng bán đất trả bớt nợ rồi kéo nhau bỏ xứ đi làm thuê.

image 

Theo Cục Cảnh sát hình sự, mỗi ngày có khoảng 3.000 người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc. Cuối tuần con số này tăng thêm 700-900 người. Không riêng gì vùng biên giới giáp ranh Đồng Tháp mà ở Kiên Giang, Long An, Tây Ninh… đều có sòng bạc “bao vây” các cửa khẩu bên phía Campuchia. Hiện dọc theo biên giới có trên 30 casino, 14 trường gà. Những sòng bạc này chủ yếu thu hút các tay chơi ở các tỉnh miền Tây, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

image

Một cán bộ điều tra Cục cảnh sát hình sự cho rằng, tâm lý con bạc khi thua thường rất hay cay cú, liều lĩnh mượn tiền của những đường dây "vay nóng" để gỡ gạc. Nhưng kết cục lại thua sạch và không có cách nào trả nổi.
"Đã xảy ra trường hợp con bạc bị chặt ngón tay, cắt tai gửi về Việt Nam kêu người nhà mang tiền qua chuộc. Trong những ngày bị băng nhóm cho vay nặng lãi giam lỏng, nhiều con bạc bị đánh đập tàn nhẫn. Có người vì không chịu nổi đã nhảy lầu trốn, thiệt mạng", vị cán bộ nói.


Thiên Phước


Mặt đối mặt với trùm cờ bạc vùng biên giới

Khi đi công tác viết bài về tệ nạn cờ bạc dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, chúng tôi bị phát hiện và chạm trán với một chủ casino cùng tay chân trong một đêm dài tại biên giới Tây Nam.

Trung tuần tháng 10-2010, sau cả một tuần đi khắp các sòng bạc ở sát biên giới Tây Nam, chúng tôi đã quá mệt mỏi. Mệt mỏi bởi sự di chuyển liên tục, mệt mỏi bởi phải căng mình cảnh giác trước những tay bảo vệ to lớn mỗi khi dùng thiết bị tác nghiệp… nhưng càng mệt mỏi hơn nữa khi nhìn những dòng người Việt Nam lũ lượt kéo sang đây lao vào cuộc đen đỏ.

Sòng bạc nơi giáp ranh Hồng Ngự - Svay Rieng là nơi cuối cùng chúng tôi đến trong kế hoạch. Sòng bạc khá lớn cùng một trường đá gà rộng thênh thang. Vì đã mệt mỏi nên chúng tôi cũng bất cần, không thèm để ý tới tấm biển: “Cấm chụp ảnh, bị phát hiện phạt 20 triệu - thu máy ảnh, tạm giữ 3 ngày”…

Về đến nhà trọ được 10 phút thì ngoài cửa rộ lên tiếng xe. 4 tay bảo vệ to cao ở sòng bài, lừ lừ vào nhà, trên tay là xác 3 con gà đẫm máu, máu vẫn nhỏ tong tong xuống thềm nhà. Biết đây là quân của sòng bạc, chủ nhà lễ phép chạy ra chào hỏi, cả bọn im lìm rồi một gã gọn lỏn: “Làm gà đi, 10 phút nữa ông Út sang nhậu”.

image
Trường gà của Út Phụng

Chúng tôi giật thót người, đã tìm hiểu từ trước nên chúng tôi biết: Ông Út ở đây là ông Út Phụng, chủ sòng bạc… Chỉ cần thấy thái độ của chủ nhà khi nghe tin ông Út sang đủ để biết tầm ảnh hưởng của nhân vật này: Cả nhà lập tức quét nhà, dọn dẹp nhà cửa, chủ nhà sai vợ con làm gà, hái rau chuẩn bị đồ, lại còn sai vợ mang bát đĩa ra rửa kỹ lại một lần nữa.

Chủ nhà cũng giải thích, mấy con gà đẫm máu kia chẳng qua chỉ là những con gà thua trận bên trường gà - gọi là “gà xác”, chỉ ít thời gian trước thôi, mỗi con gà chọi ấy có giá hàng trăm triệu. Thịt loại gà này được xếp vào loại thượng đẳng.

Đúng 10 phút sau, tiếng xe dừng trước cửa, 4 tên bảo vệ vác trên vai những thùng bia rượu xếp gọn vào phòng rồi lẳng lặng kê ghế “mời ông Út ngồi”. Gọi là “ông” nhưng Út Phụng chỉ trạc 40 tuổi người béo tốt. Ông ta cười hiền lành, gọi con chủ nhà đến cho tiền, lại dặn: “Các con phải ngoan, chịu khó học hành hổng có được bài bạc nghen”. Trong này, chúng tôi đã vạch kế hoạch sẵn sàng.

Tụi tôi là nhà báo!

Gọi là kế hoạch nhưng thực ra cũng chẳng có gì. Một PV là người địa phương tại đây nên sẽ thay mặt cả tổ nói chuyện với ông Út, tôi và một đồng nghiệp khác giọng Bắc đặc sệt sẽ cố gắng nói càng ít càng tốt.

Chủ nhà dù trạc tuổi Út Phụng nhưng vẫn lễ phép: “Mấy chú hay đi theo ông Út đâu rồi?” – nghe thế, Út Phụng lập tức nắn gân: “Trời ơi, mấy thằng đó hư thân, gặp mấy thằng “điếm bạc” sang định “cướp người”, tụi nó rút súng ra doạ, hổng dè súng cướp cò làm người ta bị thương, phải trốn rồi. Tụi nó làm khổ mình mà vẫn phải trả lương cho gia đình nó. Mệt thiệt”. Nghe qua, cũng có thể Út Phụng nghi bọn tôi là dân “điếm bạc” sang để “cướp người”.

“Điếm bạc” là những tên cờ bạc bịp sừng sỏ biết những lỗ hổng trong hoạt động của casino để dựa vào đó kiếm lợi. Còn dân “cướp người” thì kinh hơn một bậc: Đó là những tên giang hồ liều lĩnh bạt mạng sang bên kia biên giới để tìm cách đưa những người thua bạc phải vay nợ và đang bị giữ về Việt Nam.

Thông thường, nếu vay nợ 1 tỷ đồng thì người nhà sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đương để “cướp người” về chứ không chịu bỏ tiền ra chuộc. Có chuyện này bởi người đã bị “cướp” ra thường không bao giờ dám bén mảng lại các casino thêm lần nào nữa.

image
Xe đưa khách đi đánh bạc ở biên giới

Giải quyết nghi ngờ của Út Phụng không khó, tôi cởi áo ở trần, 2 đồng nghiệp của tôi cũng làm theo cố ý “khoe” không hề có lấy một hình xăm, một vết sẹo thể hiện thân phận giang hồ. Ông Út Phụng tỉnh bơ nhắc: “Trời! Muỗi mùa này đốt chết người đó, mấy anh mặc áo vô”, nhưng mấy con mắt gườm gườm của đám bảo vệ đã giảm đi đôi phần.

image

Câu chuyện nhàm chán trong tình huống cả hai bên đều căng thẳng khiến tôi để đầu óc đi nơi khác, tôi bỗng nhớ tới nén hương chiều hôm trước tôi thắp lên giữa cánh đồng của đất Svay Rieng. Trên cánh đồng ấy, gần 40 năm trước, cha tôi đã bị thương. Nhưng ông còn là người may mắn, rất nhiều người bạn, người đồng đội của ông đã nằm lại mảnh đất này với tuổi thanh xuân mãi mãi…

40 năm trước khi phải chiến đấu nơi đất khách, cha tôi cùng các đồng đội của ông chắc chưa khi nào run sợ! Vậy tại sao khi đứng trên chính mảnh đất của đất nước mình, chúng tôi lại phải e dè trước mấy tên “giang hồ để súng cướp cò” này… 
Sau lần ấy, chúng tôi càng thận trọng hơn trong mỗi lần tác nghiệp khi biết thêm sức mạnh của báo chí, kể cả dân giang hồ nhiều lúc cũng cần đến tiếng nói của báo chí.

image

“Tụi tôi là nhà báo” - câu nói tự nhiên bật ra từ miệng tôi. Thấy cả bọn ngơ ngác, tôi tiến tới luôn: “Nghe nói có mấy vụ người của sòng bài chặt tay, cắt tai con nợ, tụi tui sang kiểm tra thực tế để viết bài”. Út Phụng bật cười lớn: “Trời đất ơi! Tui cũng có coi báo, thấy nhiều bài viết như vậy quá nhưng hổng phải đâu. Toàn là bọn con bạc tụi nó hù người nhà để nã tiền không hà”…

Bữa nhậu chuyển sang hướng khác, rôm rả lên trông thấy. Giải thích nhiều mà vẫn không thuyết phục được, Út Phụng thì thầm: “Như vầy nghe, các anh cứ vay đại tiền ở bất cứ sòng bạc dọc biên giới này đi, rồi ở lại dăm hôm xem có phải thực như vậy không, sau đó gọi anh em sang chuộc về. Có bất trắc gì thì nói là người của Út Phụng bên Hồng Ngự, tôi giải quyết cho”.

Tàn cuộc nhậu, đúng theo kế hoạch ấy, tôi đã vào được tận nơi và sống cùng với những con bạc “thế người vay tiền” để hoàn thành nhiệm vụ.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.