Saturday, January 26, 2013

Hiệp định Paris được chính thức ký kết ngày 21/1/1973

image
Hiệp định Paris được chính thức ký kết ngày 21/1/1973


Vào ngày 21 tháng Giêng năm 1973, cách đây đúng 40 năm, Hiệp định Paris được chính thức ký kết, khoảng 8 năm kể từ khi Hoa Kỳ can thiệp một cách quy mô vào tình hình chiến sự tại Việt Nam. Vào giai đoạn ấy các bên tham chiến, kể cả Hoa Kỳ, đều muốn mưu tìm một lối thoát, một giải pháp hòa bình để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thương thuyết, cái gọi là hòa ước Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, cho phép người Mỹ rút về nước trong danh dự, đã không mang lại hòa bình cho miền Nam hay danh dự cho người Mỹ, bởi vì Hiệp định Paris ngay sau đó bị vi phạm, và sau này được coi như điểm khởi đầu của tiến trình dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ miền Nam Việt Nam vào năm 1975. Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách, tuần này xin gửi đến quý vị ý kiến của một số cựu giới chức miền Nam có dính líu trực tiếp tới các cuộc hòa đàm ở Paris, kể cả cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Washington Bùi Diễm, và Cục trưởng Cục Thông tin Quốc ngoại của Việt Nam Cộng hòa, kiêm Tổng Giám đốc Việt Tấn Xã, ông Nguyễn Ngọc Bích.

image
VOA: Thưa ông, cách đây đúng 40 năm, Hiệp định Paris được ký kết bất chấp sự chống đối mạnh mẽ của chính phủ miền Nam, và một số nghi ngại về phía Hoa Kỳ thời đó dưới quyền Tổng Thống Nixon. Thưa xin ông cho biết quan điểm của người miền Nam về hiệp định mà nhiều người cho là rất bất lợi cho Việt Nam Cộng hòa?

Ông Bùi Diễm: “Hiệp định Ba Lê, theo quan điểm của người miền Nam, là một hiệp định không lấy gì làm lợi cho miền Nam bởi vì sau cuộc điều đình ở Ba Lê năm 1973 thì những đơn vị gọi là đơn vị tác chiến của Hà Nội vẫn được phép ở lại miền Nam, đó là một điều hết sức khó khăn cho miền Nam. Trong một bản tường trình cho Tổng thống Thiệu năm 1970, tôi có nói rõ là theo nhận định của tôi sau khi theo dõi chính trường Hoa Kỳ, thì từ năm 70 trở đi, giỏi lắm thì cũng chỉ được 3 năm mà cùng lắm thì cũng chỉ được 5 năm, thành thử ra việc ký kết Hiệp định Ba Lê vào năm 73 thì tôi nghĩ người Mỹ không thể ở lâu hơn ở Việt Nam và cũng đã sửa soạn để ra khỏi Việt Nam không phải là năm 1973 mà từ trước đó nữa. Chỉ còn là họ ra khỏi Việt Nam bằng cách nào mà thôi.”
image
VOA: Thưa lúc đó ông là Đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Hoa Kỳ, xin ông mô tả lại tình hình trong thời kỳ trước khi ký Hiệp định Paris? Tình trạng chiến sự lúc đó như thế nào, nguy kịch ra sao?

Ông Bùi Diễm: “Tháng Năm năm 1968, tôi còn nhớ là tôi cứ hàng tuần phải đi từ Hoa Thịnh Đốn mà sang Ba Lê để theo dõi thì cuộc điều đình đó từ năm 68 tới năm 73 thì cũng đã 5 năm rồi, tình trạng của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ thực ra thì không hoàn toàn thất vọng, bởi vì chúng ta nhớ trước 73 thì xảy ra Tết Mậu Thân 68, những người cộng sản đã thất bại hoàn toàn. Họ nói họ muốn đẩy mạnh sự nổi dậy của người miền Nam chống lại chính quyền miền Nam, thì việc đó đã không thành, mà đứng về phương diện quân sự thì họ cũng tổn thất khá nặng. Nhưng vì Tết Mậu Thân nó gây một ảnh hưởng tâm lý ở trong chính giới Hoa Kỳ, làm cho người ta bắt đầu sốt ruột. Thành thử từ 68 tới 73, còn có Mùa Hè Đỏ Lửa mà mùa hè đỏ lửa thì miền Nam đã chống giữ một cách hết sức mãnh liệt trước cuộc tấn công của miền Bắc. Chúng ta lại lấy lại Quảng Trị. Trong cái gọi là cuộc tấn công năm 1972, người cộng sản cũng không đạt được những thắng lợi gọi là ghê gớm lắm.”

image 
VOA: Người Mỹ đã hứa hẹn gì, đã áp lực chính phủ của Tổng thống Thiệu như thế nào để buộc chính phủ miền Nam đặt bút ký vào văn kiện đó?

Ông Bùi Diễm: “Có những cuộc gặp gỡ giữa cá nhân tôi với ông Kissinger hay các nhân viên cao cấp của Hoa Kỳ thì họ nói rõ rằng họ phải rời Việt Nam, nếu mình không ký thì họ sẽ chấm dứt sự giúp đỡ miền Nam Việt Nam, thành ra miền Nam rất là khó xử, ký thì biết là bị thiệt thòi bởi vì người Mỹ không đòi quân đội Bắc Việt rút ra khỏi lãnh thổ của miền Nam Việt Nam. Thành ra ký thì bị thiệt thòi như vậy, mà không ký thì vẫn thiệt thòi. Ký hiệp định Ba Lê thì ít ra cũng có đôi chút ánh sáng, người Mỹ hứa hẹn là sẽ phản ứng một cách hết sức mạnh mẽ nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp định Ba Lê, đồng thời sẽ giúp Việt Nam chống đỡ những vụ tấn công từ miền Bắc. Người Mỹ đã không giữ lời hứa đó, vì vậy miền Nam mới bị đặt vào trường hợp năm 1975 là thiếu súng đạn, thiếu tất cả mọi thứ trong khi miền Bắc được tiếp tế bởi Liên Xô và Trung Cộng, thành thử đứng về phương diện quân sự, rõ ràng là rất chênh lệch.”

image
VOA: Thưa ông, là người đã từng làm việc với ông Kissinger thì xin ông cho biết ý kiến về vai trò của ông Kissinger trong thời gian dẫn tới các cuộc thương thuyết tại Paris, và ông nhận định như thế nào về con người, cũng như vai trò của ông Kissinger trong những gì xảy đến cho miền Nam vào năm 1975?

Ông Bùi Diễm: “Vâng, tôi gặp ông Kissinger từ khi còn làm việc ở Sàigòn, lúc đó ông chỉ là một Giáo sư đến thăm Việt Nam. Tôi có mời ông ấy đến ăn cơm ở nhà, rồi đến lúc ông ấy vào làm việc trong chính phủ Nixon, tôi lại có dịp tiếp xúc lại với ông ấy. Có thể nói ông Kissinger là một người có những định kiến về vấn đề ngoại giao. Cuối năm 1968, ông ấy đã có một bài báo viết về tương lai của Việt Nam qua một cuộc điều đình. Đến lúc ông ấy nhận trách nhiệm dưới chính phủ Nixon, ông đi đêm với những người cộng sản, đi liên lạc với các giới truyền thông tôi cũng nghe rằng ông ấy có những tiếp xúc bí mật với những người cộng sản thì tôi hỏi ông ấy thẳng thắn thì ông ấy trả lời tôi một cách hết sức là mập mờ… Sau khi nói chuyện với ông Kissinger, tôi đã điện về Sàigòn để Sàigòn biết và nếu cần thì phải hỏi cho rõ vấn đề này. Bây giờ nhận định về ông Kissinger, thì đứng về phương diện ngoại giao, ông có rất nhiều ý kiến để gọi là dàn xếp trên chính trường quốc tế, nhưng về những đối xử với miền Nam thì tôi phải thành thực nói rằng ông Kissinger không để ý gì tới cái số phận của người dân Việt Nam, và cái đó là điều mà tôi vẫn cho rằng ông ấy thiếu sót lớn trong việc điều khiển ngành ngoại giao của Hoa Kỳ. Điều đình trên trường quốc tế, mà chỉ nghĩ đến cách làm thăng bằng cán cân ở trên thế giới mà không màng gì tới quyền lợi, sự sống còn của những dân tộc mà Hoa Kỳ đã hứa sẽ giúp đỡ thì đó là cái điều mà người Việt Nam, và tất cả các nước nhỏ khác cũng phải nghĩ đến khi mà có sự giao thiệp, trông nhờ vào người Hoa Kỳ.

VOA: Hoa Kỳ bị mang tiếng là đã tháo chạy, đã bỏ rơi đồng minh, lót đường cho quân đội miền Bắc tiến chiếm miền Nam thì xin ông nhận định về bài học rút ra từ kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam đối với các vị Tổng thống Mỹ sau năm 1975?

Ông Bùi Diễm: “Thưa những bài học về chiến tranh Việt Nam thì dĩ nhiên là người Việt Nam phải rút ra bài học qua kinh nghiệm thất trận của miền Nam Việt Nam, nhưng mà người Mỹ cũng phải rút ra những bài học đó vì Hoa Kỳ ngay lúc này cũng phải đối phó với những vấn đề đặt ra trên chính trường quốc tế, từ Iraq sang tới Afghanistan, rồi bây giờ các vấn đề Syria, thì tôi nghĩ rằng người Mỹ phải nghĩ lại cho kỹ về vấn đề can thiệp hay không can thiệp trên thế giới, và nếu can thiệp thì can thiệp dưới hình thức nào? Và những dân tộc khác, những nước nhỏ khác, khi mà phải nhờ vả đến Hoa Kỳ thì cũng phải nghĩ tới cái trường hợp ngộ nhỡ người Hoa Kỳ, vì quyền lợi của người ta, người ta rút ra một cách không thuận tiện cho tương lai của mình, thì những dân tộc nhỏ bé đó phải nghĩ tới trong trận chiến tranh Việt Nam, người Hoa Kỳ đã xử sự với người Việt Nam ra làm sao.”


image
Thưa quý vị, đó là ý kiến của ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt nam Cộng hòa tại Washington.

Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Nghị hội Toàn quốc Người Việt tại Hoa Kỳ bây giờ, thời đó là Cục trưởng Cục Thông tin Quốc ngoại của VNCH kiêm Tổng Giám đốc Việt Tấn Xã. Ông có mặt trong phái đoàn ông Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Trưởng Kế Hoạch VNCH, trong chuyến đi cuối cùng sang Hoa Kỳ vận động Washington tiếp tục viện trợ cho miền Nam. Mời quý vị nghe ý kiến của ông về hiệp định Paris trong câu chuyện với Hoài Hương sau đây:

image
VOA: Thưa ông, Hiệp định Paris người ta nói là “the beginning of the end”, tức là điểm khởi đầu dẫn tới sự cáo chung của miền Nam, xin cho biết ý kiến của ông?

Ông Nguyễn Ngọc Bích: “Nhìn lui thì mình thấy nó như vậy thế nhưng tình hình lúc bấy giờ thực sự nó phức tạp hơn nhiều. Đúng là người Mỹ họ cần rút lui ra khỏi Việt Nam và cái hiệp định đó đã mang lại cho phía Mỹ những điều kiện căn bản nhất mà họ muốn. Thứ nhất là đem quân về, thứ hai là lấy lại tù binh và những người Mỹ mất tích; phía Hà Nội thì họ thắng trong cuộc gọi là thương lượng với phía Mỹ bằng cách họ giữ được 150.000 quân ở miền Nam, nhưng mà ngược lại họ cũng phải nhượng bộ phía Mỹ. Một trong các điều kiện mà Hà Nội đòi hỏi là phải thay đổi ông Thiệu bằng một chính phủ khác, thì cái chuyện đó họ đã thất bại. Nếu chúng ta nói rằng Mỹ bỏ miền Nam lúc bấy giờ thì cũng đúng, nhưng mà họ cũng có kèm lại một số điều kiện để có thể giữ cho miền Nam tồn tại một thời gian lâu hơn. Chẳng hạn như Đài Loan, Mỹ họ bỏ Đài Loan cũng vào những năm 71-72 với cái thông cáo chung ở Thượng Hải, rồi Đài Loan bị đá văng ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, không còn giữ chân trong Liên Hiệp Quốc, không được quyền có tòa đại sứ Mỹ ở bên Đài Bắc, tức là điều kiện của họ còn tệ hại hơn các điều kiện của Hiệp định Paris đối với miền Nam. Thế mà cho đến ngày hôm nay, Đài Loan vẫn còn là một nước độc lập, thành ra tôi cho rằng các điều kiện mà Mỹ họ nhắm để lại cho miền Nam, không phải là để 'chôn' miền Nam.”

image
VOA: Dạ thưa lúc đó người Mỹ đã áp lực Việt Nam rất mạnh mẽ để buộc miền Nam ký văn kiện này, là người … có thể nói là có cái nhìn từ bên trong, thì thưa ông xin ông mô tả lại bầu không khí và cái tâm trạng của những người chứng kiến?

Ông Nguyễn Ngọc Bích: “Vâng, đương nhiên là mình biết mình bị ép. Ngay sau khi ông Nixon đi sang Bắc Kinh để gặp ông Mao Trạch Đông và ông Chu Ân Lai, thì không chỉ miền Nam mà cả miền Bắc lúc bấy giờ cũng rất sợ hãi, thấy Mỹ bắt tay được với Trung Cộng, thì rất là nguy hiểm. Do đó, chính ông Chu Ân Lai sau khi gặp ông Nixon, cũng phải đi một chuyến bí mật sang Hà Nội để mà tìm cách phủ dụ Hà Nội để Hà Nội yên tâm là họ không có bị bán đứng như họ lo ngại. Miền Nam cũng thế, bằng chứng là cuộc đấu tranh rất là mạnh mẽ chống lại một số điều kiện ở trong Hiệp định. Cái đó nó cũng nói lên là miền Nam cũng biết rằng mình trong một tình thế khó khăn, nhưng mà cũng cố gắng đấu tranh để mà bảo toàn phần nào cái lực lượng của mình. Nhưng mà phải biết rằng năm 1974, thì quân viện của Liên Xô với Bắc Kinh cho Hà Nội nó nhảy vọt lên, trong khi đó thì quân viện cho miền Nam thì liên tiếp 3 năm liền, nó cứ bị chém một nửa, rồi một nửa… sau cuối cùng 300 triệu cũng không có.”

image 
VOA: Dạ nhưng mà sự thực là như thế này: chính phủ VNCH sụp đổ 2 năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết. 40 năm là một khoảng cách tương đối đủ dài để chúng ta nhìn lại sự kiện một cách khách quan hơn, vậy thì theo nhận xét của ông thì những gì xảy ra một phần có thể quy lỗi cho những cái thiếu sót của lãnh đạo miền Nam, của chính quyền miền Nam?

Ông Nguyễn Ngọc Bích: “Dạ vâng, những thiếu sót của chính quyền miền Nam thì cũng khá nhiều, cái đó thì ai cũng trông ra chứ không phải là không. Nó cũng có vấn đề tham nhũng, nhưng tôi không nghĩ tham nhũng đã đưa miền Nam tới chỗ sụp đổ, tôi cho rằng thiếu sót của miền Nam căn bản là cái quyết định rút lui khỏi Vùng 2 chiến thuật một cách rất là vội vã trong khi lúc bấy giờ quân đội của mình nó chưa bị sứt mẻ bao nhiêu mà mình làm cho cuối cùng gần 200.000 quân, cả quân đội lẫn địa phương quân mà bị sụp đổ trong một thời gian rất ngắn. Đó là điều đã làm cho miền Nam, vốn đã ở trong thế vô cùng khó khăn, trở nên vô vọng.”



Hoài Hương-VOA





image



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.